Bài 29 : Quá trình hình thành loài

Lý thuyết  Bài 29

I. HÌNH THÀNH LOÀI KHÁC KHU VỰC ĐỊA LÍ

1. Vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới - Cách li địa lí là những trở ngại về mặt địa lí như sông, núi, biển…ngăn cản các cá thể của các quần thể cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau. - Vai trò của cách li địa lí: + Sự cách li địa lí góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa. + Do các quần thể sống trong những khu vực địa lí khác nhau nên CLTN và các nhân tố tiến hóa khác có thể tạo nên sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể. + Khi sự khác biệt về di truyền giữa các quần thể được tích tụ dẫn đến xuất hiện cách li sinh sản thì loài mới được hình thành. 2. Đặc điểm của quá trình hình thành loài bằng con đường cách li địa lí - Quá trình hình thành loài bằng con đường cách li địa lí thường xảy ra với những loài động vật có khả năng phát tán mạnh. - Quá trình hình thành loài bằng con đường cách li địa lí xảy ra một cách chậm chạp qua nhiều dạng trung gian chuyển tiếp. - Quá trình hình thành loài thường gắn liền với quá trình hình thành quần thể thích nghi.

Trả lời câu hỏi Sinh 12 Bài 29 trang 126: 

Giải thích quá trình hình thành loài trên hình 29 và cho biết tại sao trên các đảo đại dương lại hay tồn tại các loài đặc hữu (loài chỉ có ở một nơi nào đó mà không có ở nơi nào khác trên Trái Đất). Lời giải: * Quá trình hình thành loài trên hình 29: Một nhóm cá thể của quần thể A di cư từ đất liền ra một hòn đảo (1) tương đối cách biệt tạo nên quần thể mới. Trong điều kiện sinh thái mới, CLTN tích lũy các đột biến và biến dị tổ hợp theo hướng mới. Do cách li địa lí mà quần thể đã biến đổi không giao phối với loài A làm cho sự sai khác giữa chúng ngày càng sâu sắc và khi đạt đến mức cách li sinh sản thì hình thành nên loài B. Tiếp theo, một nhóm cá thể của quần thể B di cư từ đảo (1) ra hòn đảo (2) và (3) tương đối cách biệt tạo nên quần thể mới ở đảo (2) và (3). Trong điều kiện sinh thái mới, CLTN tích lũy các đột biến và biến dị tổ hợp theo hướng mới. Do cách li địa lí mà quần thể đã biến đổi không giao phối với loài B làm cho sự sai khác giữa chúng ngày càng sâu sắc và khi đạt đến mức cách li sinh sản thì hình thành nên loài C ở đảo (2) và loài D ở đảo (3) * Trên các đảo đại dương lại hay tồn tại các loài đặc hữu (loài chỉ có ở một nơi nào đó mà không có ở nơi nào khác trên Trái Đất) vì: Các đảo này được cách li địa lý với đất liền và các vùng khác; các đảo này có điều kiện môi trường đặc trưng mà không nơi nào có được.

Bài 1 (trang 128 SGK Sinh học 12): 

Giải thích vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới. Lời giải: Vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới: - Cách li địa lí là những trở ngại về mặt địa lí như sông, núi, biển… ngăn cản các cá thể của các quần thể cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau. - Sự cách li địa lí góp phần sự duy trì khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hoá. - Sự cách li địa lí nên các cá thể của các quần thể cách li ít có cơ hội giao phối với nhau. Những quần thể nhỏ sống cách biệt trong các điều kiện môi trường khác nhau dần dần được CLTN và các nhân tố tiến hoá khác làm cho sự khác biệt về vốn gen của quần thể. Sự khác biệt đó được tích luỹ dần và đến một lúc nào đó có thể xuất hiện các trở ngại dẫn đến cách li sinh sản thì loài mới được hình thành.

Bài 2 (trang 128 SGK Sinh học 12): 

Tại sao quần đảo lại được xem là phòng thí nghiệm nghiên cứu quá trình hình thành loài mới? Lời giải: - Quần đảo là nơi lí tưởng cho quá trình hình thành loài mới vì giữa các đảo có sự cách li địa lí tương đối, khiến cho sinh vật giữa các đảo ít khi trao đổi vốn gen cho nhau, duy trì sự khác biệt vốn gen giữa các quần thể. - Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đảo lại không quá lớn để các cá thể không thể di cư tới. Một nhóm sinh vật tiên phong di cư tới đảo mới thì điều kiện sống mới và sự cách li tương đối về mặt địa lí dễ dàng biến quần thể nhập cơ thành một loài mới.

Bài 3 (trang 128 SGK Sinh học 12): 

Tại sao cách li địa lí lại là cơ chế chủ yếu dẫn đến hình thành loài mới ở động vật? Lời giải: Hình thành loài mới bằng con đường cách li địa lí hay xảy ra đối với các loài động vật vì chúng có khả năng di chuyển. Chính khả năng đó đã tạo điều kiện cho chúng dễ hình thành nên các quần thể cách li nhau về mặt địa lí dẫn đến cách li sinh sản và hình thành loài mới. Tuy nhiên, nhiều loài thực vật cũng có nhiều khả năng phát tán tới các địa lí khác nhau.

Bài 4 (trang 128 SGK Sinh học 12):

Câu nào dưới đây nói về vai trò của sự cách li địa lí trong quá trình hình thành loài là đúng nhất? a) Không có sự cách li địa lí thì không thể hình thành loài mới. b) Cách li địa lí có thể dẫn đến hình thành loài mới qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp. c) Cách li địa lí luôn luôn dẫn dến cách li sinh sản. d) Môi trường địa lí khác nhau là nguyên nhân chính dẫn đến phân hoá thành phần kiểu gen của các quần thể cách li. Lời giải: Đáp án: b.

Trắc nghiệm Bài 29 

Câu 1: Quá trình hình thành loài mới là
  1. Quá trình phát sinh những biến đổi lớn trên cơ thể sinh vật làm chúng khác xa với tổ tiên ban đầu.
  2. Quá trình phát sinh những đặc điểm mới trên cơ thể sinh vật làm từ một dạng ban đầu phát sinh nhiều dạng khác nhau rõ rệt và khác xa tổ tiên
  3. Sự cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi.
  4. Sự cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi, tạo ra hệ gen mới cách li sinh sản với quần thể gốc.
Đáp án: Loài mới được đánh dấu khi có sự cách li sinh sản với quần thể gốc Đáp án cần chọn là: D Câu 2: Hãy thử tưởng tượng một trường hợp như sau: Một trận bão lớn đã thổi bay một số cá thể của quần thể ở đất liền ra một hòn đảo tương đối xa so với đất liền. Các cá thể đó đã thích nghi với cuộc sống ở đảo và hình thành nên quần thể mới cách li với quần thể gốc ở đất liền. Trải qua hàng nghìn năm, mực nước biển hạ thấp và nối liền đảo đó với đất liền khiến các chim sẻ trên đảo và chim sẻ ở đất liền tự do tiếp xúc với nhau. Quan sát nào sau đây giúp ta có thể kết luận chúng đã trở thành hai loài khác nhau?
  1. Con lai của chúng yếu ớt và chết trước khi thành thục sinh dục.
  2. Chúng có nhiều đặc điểm hình thái khác nhau.
  3. Chúng ăn các loại thức ăn khác nhau.
  4. Con lai chúng có kiểu hình khác với cả hai dạng bố mẹ.
Đáp án : Con lai của chúng yếu ớt và chết trước khi thành thục sinh dục > Hình thành loài mới khi có sự cách ly sinh sản. Đáp án cần chọn là: A Câu 3: Phát biểu nào sau đây không đúng về quá trình hình thành loài mới bằng con đường địa lý (hình thành loài khác khu vực địa lý)
  1. Điều kiện địa lý là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật, từ đó tạo thành loài mới.
  2. Hình thành loài mới bằng con đường địa lý có thể xảy ra đối với các loài động vật có khả năng phát tán kém
  3. Hình thành loài mới bằng con đường địa lý diễn ra chậm chạp trong thời gian lịch sử lâu dài.
  4. Trong những điều kiện địa lý khác nhau, CLTN đã tích lũy các đột biến và các biến dị tổ hợp theo những hướng khác nhau.
Đáp án: Điều kiện địa lý không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật mà chỉ là yếu tố thuận lợi, giúp cho việc thể hiện sự ưu thế của kiểu hình thích nghi thể hiện ra Còn những biến đổi trên cơ thể sinh vật là do các đột biến gen gây nên Đáp án cần chọn là: A Câu 4: Trong các phương án dưới đây, có bao nhiêu phương án không đúng khi nói về vai trò của cách li địa lý trong quá trình hình thành loài mới? 1. Những trở ngại địa lý ngăn cản các cá thể của các quần thể cùng găp gỡ và giao phối với nhau 2. Quần thể ban đầu được chia thành nhiều quần thể cách li với nhau. 3. Hay xảy ra với các loài thực vật 4. Góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa. 5. Quá trình hình thành loài mới thường không nhất thiết phải hình thành quần thể thích nghi.
  1. 5
  2. 4
  3. 3
  4. 2
Đáp án: Hai ý nói không đúng về vai trò của cách ly địa lý là: (2), (5). (2), Quần thể ban đầu được chia thành nhiều quần thể cách li với nhau chưa chắc hình thành loài mới (5), Đây là tính chất của cách ly địa lý không phải vai trò trong quá trình hình thành loài mới. Đáp án cần chọn là: D Câu 5: Cho các ví dụ về quá trình hình thành loài như sau: (1) Một quần thể chim sẻ sống ở đất liền và và một quần thể chim sẻ sống ở quần đảo Galapagos. (2) Một quần thể mao lương sống ở bãi bồi sông Vônga và và một quần thể mao lương sống ở phía trong bờ sông. (3) Hai quần thể cá có hình thái giống nhau nhưng khác nhau về màu sắc: một quần thể có màu đỏ và một quần thể có màu xám sống chung ở một hồ Châu phi. (4) Chim sẻ ngô (Parus major) có vùng phân bố rộng trên khắp châu Âu và châu Á phân hóa thành 3 nòi: nòi châu Âu, nòi Trung Quốc và nòi Ấn độ. Các quá trình hình thành loài có sự tham gia của cơ chế cách li địa lý là:
  1. 1, 4.
  2. 1, 2, 3, 4.
  3. 1, 2, 4
  4. 1, 3.
Đáp án: (1), (4) là cách li địa lý; (2), (3): cách ly sinh thái. Đáp án cần chọn là: A Câu 6: Cho các ví dụ về quá trình hình thành loài như sau: (1) Một quần thể chim sẻ sống ở đất liền và và một quần thể chim sẻ sống ở quần đảo Galapagos. (2) Một quần thể mao lương sống một bên bãi bồi sông Vônga và và một quần thể mao lương sống ở phía bên kia sông. (3) Hai quần thể cá có hình thái giống nhau nhưng khác nhau về màu sắc: một quần thể có màu đỏ và một quần thể có màu xám sống chung ở một hồ Châu phi. (4) Chim sẻ ngô (Parus major) có vùng phân bố rộng trên khắp châu Âu và châu Á phân hóa thành 3 nòi: nòi châu Âu, nòi Trung Quốc và nòi Ấn độ. Các quá trình hình thành loài có sự tham gia của cơ chế cách li địa lý là:
  1. 1, 4.
  2. 1, 2, 3, 4.
  3. 1, 2, 4
  4. 1, 3.
Đáp án: (1), (2), (4) là cách li địa lý; (3): cách ly sinh thái. Đáp án cần chọn là: C Câu 7: Phát biểu nào dưới đây nói về vai trò của cách li địa trong quá trình hình thành loài là đúng nhất?
  1. Môi trường địa lí khác nhau là nguyên nhân chính tạo ra các alen thích nghi cho quần thể.
  2. Ở các quần thể sinh vật có khả năng phát tán mạnh, cách li địa lí luôn dẫn đến cách li sinh sản.
  3. Cách li địa lí có thể dẫn đến hình thành loài mới qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp.
  4. Cách ly địa lý là điều kiện cần duy nhất cho việc hình thành loài mới ở thực vật.
Đáp án: A sai, môi trường địa lý không tạo ra các alen mới. Các alen mới chỉ xuất hiện qua quá trình đột biến B sai, cách li địa lý chưa chắc đã hình thành nên cách li sinh sản D sai, cách li địa lý chỉ góp phần ngăn không cho 2 quần thể có thể trao đổi vốn gen với nhau, giúp nhanh chóng hính thành sự cách li sinh sản mà thôi, ngoài cách li địa lái thì cò hiện tượng cách li sinh thái, tập tính các dạng các li này giúp hình thành loài mới Đáp án cần chọn là: C Câu 8: Khi nói về vai trò của cách ly địa lý trong quá trình hình thành loài mới, có các phát biểu sau: 1. Cách li địa lí là những trở ngại về mặt địa lý như sông, núi, biển,… ngăn các cá thể trong cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau. 2. Cách li địa lí trong một thời gian dài sẽ luôn dẫn đến cách li sinh sản và hình thành loài mới. 3. Cách li địa lí góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa. 4. Cách li địa lí là những trở ngại sinh học ngăn cản các cá thể của quần thể giao phối với nhau. Số phát biểu đúng là:
  1. 1
  2. 3
  3. 4
  4. 2
Đáp án: Các phát biểu đúng là (1), (3). (2) sai. Do cách li địa lí không phải luôn tạo ra sự cách ly sinh sản, sự cách ly sinh sản xuất hiện mang tính ngẫu nhiên. Do đó có thể có những quần thể cách li địa lí rất lâu nhưng vẫn không hình thành loài mới. (4) sai. Do cách li địa lý là những trở ngại về mặt địa lí, làm các cá thể của quần thể cách li ít có cơ hội giao phối với nhau. Đáp án cần chọn là: D Câu 9: Nguyên nhân nào khiến cách ly địa lý trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hóa của sinh vật?
  1. Vì cách li địa lí duy trì sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể.
  2. Vì nếu không có cách li địa lí thì không dẫn đến hình thành loài mới.
  3. Vì điều kiện địa lí khác nhau làm phát sinh các đột biến khác nhau dẫn đến hình thành loài mới.
  4. Vì cách li địa lí là nguyên nhân trực tiếp xuất hiện cách li sinh sản.
Đáp án: Cách ly địa lý trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hóa của sinh vật vì cách li địa lí ngăn cản quá trình giao phối giữa các cá thể ở các khu vực địa lí khác nhau ⇒ duy trì sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể. Đáp án cần chọn là: A Câu 10: Trong quá trình hình thành loài địa lý, yếu tố địa lý đóng vai trò:
  1. Quyết định chiều hướng biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể gốc.
  2. Tạo điều kiện cho sự phân hóa trong loài.
  3. Quyết định sự phân ly tính trạng của quần thể gốc.
  4. Quyết định nhịp điệu biến đổi kiểu gen của quần thể gốc
Đáp án: Trong quá trình hình thành loài địa lý, yếu tố địa lý đóng vai trò ngăn cản sự trao đổi vốn gen giữa 2 quần thể, từ đó tạo điều kiện cho sự phân hóa trong loài. Đáp án cần chọn là: B Câu 11: Tại sao trên các đảo và quần đảo đại dương hay tồn tại những loài đặc trưng không có ở nơi nào khác trên trái đất?
  1. Do cách li địa lí khiến cho các loài ở đảo và đất liên không có sự trao đổi gen và chọn lọc tự nhiên diễn ra trong môi trường đặc trưng ở đảo qua thời gian dài
  2. Do các loài này có nguồn gốc từ trên đảo và không phát tán đi nơi khác
  3. Do cách li sinh sản giữa các quần thể trên từng đảo nên mỗi đảo hình thành loài đặc trưng
  4. Do trong cùng điều kiện tự nhiên, chọn lọc tự nhiên diễn ra theo hướng tương tự nhau.
Đáp án: Trên các đảo và quần đảo đại dương hay tồn tại những loài đặc trưng không nơi nào có là do cách ly địa lý và chọn lọc tự nhiên diễn ra trong môi trường đặc trưng của đảo qua thời gian dài Đáp án cần chọn là: A Câu 12: So với đảo lục địa, các đảo đại dương có:
  1. Có độ đa dạng và tỉ lệ loài đặc hữu cao hơn
  2. Có độ đa dạng và tỉ lệ loài đặc hữu kém hơn
  3. Có độ đa dạng kém hơn nhưng có tỉ lệ loài đặc hữu cao hơn
  4. Có độ đa dạng cao hơn nhưng có tỉ lệ loài đặc hữu kém hơn.
Đáp án: So với đảo lục địa, các đảo đại dương có độ đa dạng kém hơn nhưng có tỉ lệ loài đặc hữu cao hơn. Đáp án cần chọn là: C Câu 13: Hình thành loài bằng con đường cách li địa lí thường xảy ra đối với nhóm loài:
  1. Động vật bậc cao.
  2. Động vật.
  3. Thực vật
  4. Có khả năng phát tán mạnh.
Đáp án: Hình thành loài bằng con đường cách li địa lí thường xảy ra đối với nhóm loài có khả năng phát tán mạnh. Đáp án cần chọn là: D Câu 14: Quá trình hình thành loài khác khu vực địa lý, không có đặc điểm nào sau đây?
  1. Diễn ra chậm, qua nhiều giai đoạn trung gian.
  2. Gắn liền với quá trình hình thành quần thể thích nghi.
  3. Thường xảy ở các động vật có khả năng phát tán mạnh.
  4. Không xảy ra đối với thực vật.
Đáp án: Quá trình hình thành loài khác khu vực địa lý, không có đặc điểm: Không xảy ra ở thực vật. Đáp án cần chọn là: D Câu 15: Hình thành loài bằng con đường cách li địa lí thường xảy ra đối với nhóm loài:
  1. Có khả năng phát tán mạnh.
  2. Động vật và thực vật.
  3. Không có khả năng phát tán.
  4. Có khả năng phát tán yếu.
Đáp án: Hình thành loài bằng con đường cách li địa lí thường xảy ra đối với nhóm loài có khả năng phát tán mạnh. Đáp án cần chọn là: A Câu 16: Phát biểu nào sau đây không đúng về quá trình hình thành loài mới bằng con đường địa lý (hình thành loài khác khu vực địa lý)
  1. Điều kiện địa lý là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật, từ đó tạo thành loài mới.
  2. Hình thành loài mới bằng con đường địa lý có thể xảy ra đối với các loài động vật có khả năng phát tán kém
  3. Hình thành loài mới bằng con đường địa lý diễn ra chậm chạp trong thời gian lịch sử lâu dài.
  4. Trong những điều kiện địa lý khác nhau, CLTN đã tích lũy các đột biến và các biến dị tổ hợp theo những hướng khác nhau.
Đáp án: Phát biểu không đúng là: A Điều kiện địa lý chỉ là yếu tố thuận lợi, giúp cho việc thể hiện sự ưu thế của kiểu hình thích nghi thể hiện ra Còn những biến đổi trên cơ thể sinh vật là do các đột biến gen gây nên Đáp án cần chọn là: A Câu 17: Loài phân bố càng rộng, tốc độ tiến hóa diễn ra càng nhanh vì
  1. Loài đó càng có cơ hội hình thành nhiều quần thể cách li về mặt địa lí dẫn đến cách li sinh sản.
  2. Loài đó có cơ hội giao phối với nhiều loài có họ hàng gần gũi, quá trình hình thành loài mới bằng con đường lai xa và đa bội hóa xảy ra nhanh hơn.
  3. Loài đó dễ tích lũy nhiều đột biến hơn các loài có vùng phân bố hẹp
  4. Các quần thể của loài dễ phân hóa về mặt tập tính, đặc biệt là tập tính sinh sản dẫn đến cách li sinh sản.
Đáp án: Loài phân bố càng rộng, tốc độ tiến hóa diễn ra càng nhanh vì loài đó càng có cơ hội hình thành nhiều quần thể cách li về mặt địa lí dẫn đến cách li sinh sản. Đáp án cần chọn là: A Câu 18: Nhóm loài nào dưới đây có tốc độ tiến hóa diễn ra nhanh hơn các nhóm còn lại?
  1. Nhóm loài có khả năng phát tán yếu.
  2. Nhóm loài đặc hữu.
  3. Nhóm loài phân bố rộng.
  4. Nhóm loài động vật bậc cao.
Đáp án: Loài phân bố càng rộng, tốc độ tiến hóa diễn ra càng nhanh vì loài đó càng có cơ hội hình thành nhiều quần thể cách li về mặt địa lí dẫn đến cách li sinh sản. Đáp án cần chọn là: C Câu 19: Hình thành loài khác khu vực địa lí dễ xảy ra hơn so với hình thành loài cùng khu vực địa lí. Giải thích nào sau đây hợp lí nhất?
  1. Sự chia li địa lí giữa các quần thể dễ xảy ra
  2. Sinh vật có sự phát tán và di cư.
  3. Ở các loài cùng sinh sản trong một khu vực địa lý thì khó có sự cách li về mặt sinh sản.
  4. Cả ba ý trên.
Đáp án: Hình thành loài khác khu vực địa lí dễ xảy ra hơn so với hình thành loài cùng khu vực đia lí vì: trong tự nhiên sự chia li địa lí giữa các quần thể dễ xảy ra do xuất hiện các trở ngại địa lí hoặc do sinh vật phát tán, di cư nên các sinh vật nên làm cho các cá thể trong quần thể khác nhau có sự cách li sinh sản với nhau. Ở các loài cùng sinh sản trong một khu vực địa lý thì khó có sự cách li về mặt sinh sản Đáp án cần chọn là: D Câu 20: Theo lĩnh vực địa sinh học thì mối quan hệ giữa khoảng cách từ đảo đến đất liền và số loài sống trên đảo là
  1. Đảo càng xa đất liền thì số lượng loài trên đảo càng ít.
  2. Đảo càng gần đất liền thì số lượng loài trên đảo càng ít.
  3. Đảo càng xa đất liền thì số lượng loài trên đảo càng nhiều
  4. Không có mối quan hệ giữa khoảng cách từ đảo đến đất liền với số loài sống trên đảo
Đáp án: Đảo gần đất liền thì mới có nhiều quần thể sinh vật có thể di chuyển ra đó và tiến hóa thành loài khác. Đáp án cần chọn là: A Câu 21: Một đảo có hệ sinh vật gần gũi hơn với
  1. Luôn gần với lục địa nhất.
  2. Gần với các đảo có cùng khí hậu, địa chất.
  3. Gần với các đảo và lục địa liền kề.
  4. Cả ba yếu tố trên kết hợp
Đáp án: Hệ động thực vật trên các đảo thường giống với các đảo và lục địa liền kề hơn là với các đảo và lục địa ở xa nhưng có cùng điều kiện khí hậu, địa chất. Đáp án cần chọn là: C Câu 22: Phát biểu nào dưới đây liên quan đến quá trình hình thành loài mới là không đúng?
  1. Quá trình hình thành loài mới có thể diễn ra từ từ trong hàng vạn, hàng triệu năm hoặc có thể diễn ra tương đối nhanh chóng trong một thời gian không dài lắm.
  2. Loài mới không xuất hiện với một cá thể duy nhất mà phải là 1 quần thể hay một nhóm quần thể tồn tại và phát triển như một mắt xích trong hệ sinh thái và đứng vững qua thời gian dưới tác dụng của CLTN.
  3. Chỉ khi quần thể mới tạo ra cách li sinh sản với quần thể gốc thì mới tạo thành loài mới.
  4. Quá trình hình thành loài bao gồm hình thành loài bằng con đường địa lí và hình thành loài bằng lai xa và đa bội hóa.
Đáp án: Quá trình hình thành loài bao gồm hình thành loài bằng con đường địa lí và hình thành loài bằng cách li tập tính, cách li sinh thái, bằng các đột biến lớn. Đáp án cần chọn là: D Câu 23: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về quá trình hính thành loài mới?
  1. Quá trình hình thành quần thể thích nghi luôn dẫn tới hình thành loài mới..
  2. Sự hình thành loài mới không liên quan đến quá trình phát sinh đột biến
  3. Sự cách li địa lí luôn dẫn đến hình thành loài mới
  4. Quá trình hình thành quần thể thích nghi không nhất thiết dẫn tới hình thành loài mới..
Đáp án: Quá trình hình thành quần thể thích nghi không nhất thiết dẫn tới hình thành loài mới.. Đáp án cần chọn là: D Câu 24: Khi nói về cách li địa lí, có bao nhiêu nhận định sau là đúng? (1) Những loài ít di động hoặc không có khả năng di động và phát tán ít chịu ảnh hưởng của dạng cách li này. (2) Các quần thể trong loài bị ngăn cách nhau bởi khoảng cách bé hơn tầm hoạt động kiếm ăn và giao phối của các cá thể trong loài. (3) Cách li bởi sự xuất hiện các vật cản địa lí như núi, sông, biển. (4) Các động vật ở cạn hoặc các quần thể sinh vật ở nước bị cách li bởi sự xuất hiện dải đất liền.
  1. 1
  2. 2
  3. 3
  4. 4
Đáp án: Ý sai là ý 2, cách li địa lí khiến cho các quần thể không thể giao phối với nhau nên khoảng cách phải lớn hơn tầm hoạt động của chúng như khoảng cách rất xa, núi cao, sông sâu... mà chúng không thể di chuyển qua được. Đáp án cần chọn là: C Câu 25: Khi nói về vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới, phát biểu nào sau đây là không đúng? 1. Cách li địa lí là những trở ngại về mặt địa lí như sông, núi, biển…ngăn cản các cá thể của quần thể cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau 2. Cách li địa lí trong một thời gian dài sẽ dẫn đến cách li sinh sản và hình thành loài mới 3. Cách li địa lí góp phần duy trì sự khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa các quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hóa 4. Cách li địa lí có thể được tạo ra một cách tình cờ và góp phần hình thành nên loài mới 5. Cách li địa lí thường xảy ra đối với loài có khả năng di cư, phát tán và những loài ít di cư 6. Cách li địa lí là những trở ngại sinh học ngăn cản các cá thể của các quần thể giao phối với nhau Số phương án đúng là:
  1. 2
  2. 3
  3. 4
  4. 1
Đáp án: Các phương án đúng là : (1), (3), (4) (2) sai vì cách li địa lí thời gian dài chưa chắc đã dẫn đến cách li sinh sản. ví dụ như loài người, ngày trước sống ở các vùng khác nhau (cách li địa lý) nhưng vẫn không hề dẫn đến cách li sinh sản (5) sai vì cách li địa lý hiếm gặp ở các loài ít di cư (6) sai vì cách li địa lý là những ngăn trở địa lý (núi, sông,…) chứa không phải trở ngại sinh học Đáp án cần chọn là: B Câu 26: Quá trình hình thành loài bằng con đường địa lí diễn ra theo trình tự nào sau đây? (1) Sự khác biệt về tần số alen dần tích lũy dẫn đến cách li sinh sản giữa các quần thể với nhau và với quần thể gốc, khi đó loài mới được hình thành. (2) Trong những điều kiện địa lí khác nhau, CLTN và các nhân tố tiến hóa đã làm biến đổi thành phần kiểu gen và tần số alen của các quần thể bị cách li theo các hướng thích nghi khác nhau, làm chúng ngày càng khác nhau và khác xa so với quàn thể gốc. (3) Một loài ban đầu bị chia cắt thành các quần thể cách li với nhau do các trở ngại về mặt địa lí.
  1. (3) → (2) →(1)
  2. (2) → (3) → (1)
  3. (1) → (2) → (3)
  4. (3) → (1) → (2)
Đáp án: Quá trình hình thành loài bằng con đường địa lí diễn ra theo trình tự (3) → (2) →(1). Đáp án cần chọn là: A Câu 27: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về quá trình hình thành loài mới bằng con đường địa lý?
  1. Sự hình thành loài mới cần CLTN và các nhân tố tiến hóa làm biến đổi vốn gen của quần thể.
  2. Sự hình thành loài mới không liên quan đến quá trình phát sinh đột biến
  3. Sự cách li địa lí luôn dẫn đến hình thành loài mới
  4. Hai loài cách xa nhau nếu không còn sự cách li về địa lí vẫn có thể tạo con lai hữu thụ bình thường.
Đáp án: Sự hình thành loài mới cần CLTN và các nhân tố tiến hóa làm biến đổi vốn gen của quần thể. B sai, hình thành loài mới cần phải có đột biến phát sinh các alen mới trong quần thể C sai, Sự cách li địa lí không nhất thiết dẫn đến hình thành loài mới. D sai, hai loài cách xa nhau đã có sự cách ly sinh sản nhất định. Đáp án cần chọn là: A

Mục lục Giải bài tập Sinh học 12 hay nhất

Phần 5: Di truyền học

Phần 6: Tiến hóa

Phần 7: Sinh thái học

Các bài viết liên quan

Bài 27: Thực hành: Quan sát và mô tả cấu tạo của động cơ không...

91 View

Bài 25: Máy điện xoay chiều ba pha - Máy biến áp ba pha

130 View

Bài 24: Thực hành: Nối tả ba pha hình sao và hình tam giác

101 View

Các bài viết được xem nhiều nhất

Theo dõi Captoc trên

Khoa học xã hội

Facebook Group

270.000 members

Khoa học tự nhiên

Facebook Group

96.000 members