Ý nghĩa nhan đề Hạnh phúc của một tang gia (dàn ý - 5 mẫu)
40 View
Đề bài: Cách đặt nhan đề tác phẩm "Hạnh phúc của một tang gia" của Vũ Trọng Phụng.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài: - Giới thiệu tác phẩm: Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là đoạn trích tiêu biểu trong tiểu thuyết số đỏ, tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện ngay trong cách đặt nhan đề có một không hai này. II. Thân bài: – Tựa đề đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” do chính tác giả đặt, thông qua nhan đề độc đáo, lạ tai này đã phần nào thể hiện được tư tưởng chủ đề của cả đoạn trích. – Tình huống nghịch lí của truyện được thể hiện thông qua những cụm từ mang ý nghĩa trái ngược nhưng lại được đặt cạnh nhau. + “Hạnh phúc” là trạng thái vui mừng, thăng hoa về cảm xúc khi thỏa mãn được nhu cầu, mục đích nào đó của con người. Hạnh phúc thường gắn liền với những sự kiện hân hoan, đáng mừng. + “Tang gia” là gia đình có tang, gia đình có sự mất mát về người và tình cảm. – “Hạnh phúc của một tang gia” là một nhan đề đầy lạ lùng, những mệnh đề đối lập ngỡ không liên quan lại được đặt cạnh nhau. – Nhan đề chỉ có 6 chữ ngắn gọn nhưng lại thể hiện trọn vẹn tư tưởng chủ đề của tác phẩm, toát lên ý vị trào phúng sâu cay đối với những con người tự xưng thượng lưu của gia đình cố Hồng. –> Cái chết của cụ cố hoàn toàn đi ngược với những logic thông thường, đó là cái chết không có lấy một chút thương xót mà ngược lại còn có thể mang đến hạnh phúc, sự thỏa mãn cho con cháu và những người xung quanh. – Vũ Trọng Phụng đã phê phán sâu sắc đối với tình trạng băng hoại, suy đồi về đạo đức của giới thượng lưu, trí thức, văn minh. –> Những con người hào nhoáng, cao quý bên ngoài nhưng lại ẩn chứa bên trong sự giả dối, lố lăng kệch cỡm đến tận cùng. – Hạnh phúc của một tang gia đã thể hiện sự đau xót, bất bình của nhà văn trước hiện thực đen tối của xã hội, của sự suy đồi những giá trị đạo đức truyền thống. III. Kết bài: - Đánh giá về nhan đề: Nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia” đã kết tinh những tư tưởng chủ đề sâu sắc của tác phẩm, dẫn dắt, hấp dẫn người đọc tìm hiểu, khám phá đồng thời thể hiện được tài năng trào phúng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng.B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Mẫu 1
Trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng ngoài những ngôn ngữ, nghệ thuật mang tính trào phúng thì nhan đề cũng là một trong những cách gây ấn tượng với người đọc. Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia là một trong những nhan đề mang sự trào phúng lên án gay gắt của tác giả. "Hạnh phúc của một tang gia" nằm trong cách đặt nhan đề chung khi viết tiểu thuyết này. Tác phẩm nhiều chương, mỗi chương một nhan đề. Mỗi nhan đề mang tính giật gân, thâu tóm nội dung qua cách đặt gây nên tiếng cười trào phúng. Như chúng ta biết hạnh phúc là một từ dùng để chỉ cảm xúc vui vẻ thỏa mãn sung sướng trước những gì khiến bản thân hài lòng. Còn " tang gia" khiến ta liên tưởng đến sự mất mát, đau buồn, sự xót thương khi gia đình mất đi một người thân yêu. Có vẻ hai từ này nằm trong trường phái từ vựng khác nhau và mang nghĩa đối lập nhưng chúng lại được đặt chung như thế niềm vui ấy tồn tại hiển nhiên trong gia tộc cụ Cố Hồng. Hàm chứa mâu thuẫn mang tính nghịch lý trớ trêu làm sao. Qua nhan đề đầy nghịch lí ấy, còn nảy sinh một tình huống cụ thể rằng xưa nay một trong những bi kịch là sinh li tử biệt, rời khỏi cõi đời, xa người thân mãi mãi là mất mát lớn lao không có gì có thể bù đắp nên lẽ thường mọi người đều phải xót xa đau lòng, họ sẽ thể hiện sự xót thương qua sự kính trọng tiễn đưa người đã khuất. Đó là đạo đức, đạo lí truyền thống của dân tộc. Nhưng với gia đình cụ Cố Hồng thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ " tang gia ai cũng vui vẻ cả", " cái chết kia làm nhiều người sung sướng đó". Dường như đám tang ấy là đám tang khiến tất cả mọi người trong gia tộc hạnh phúc. Bởi chỉ khi cụ Cố Hồng chết đi, cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hiện chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Tài sản kếch xù ấy sẽ chia năm sẻ bẩy cho đám con cháu: Cụ Hồng, vợ chồng Văn Minh, Phán Mọc Sừng, cậu Tú,.... Nực cười hơn cái chết của cụ Tổ là do Xuân gây ra nhưng hắn không hề bị truy cứu mà còn được xem như là một ân nhân, một người có công khiến cái tang lễ này được tổ chức. Tiếng cười bật ra một cách bất thường trước những chuyện ngược đời, trái khoáy, không tuân theo lễ nghi, lẽ thường của nhân sinh của đám người giả dối chạy theo những ham muốn tầm thường và lối văn minh rởm. Tất cả tạo nên một xã hội " chó đểu" với những trò lố lăng. Qua cách đặt nhan đề ấy, ta thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn, ông muốn tất cả nhân tình thế thái hiện rõ ra trong đám hiếu nhất. Muốn đám tang của cụ Cố Hồng hiện ra như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người mà đặc điểm chung những con người ấy đều mang một vỏ bọc đau thương, chia buồn đến dự tang lễ mà sâu bên trong vỏ bọc ấy là một suy nghĩ, một niềm vui riêng khác với hoàn cảnh bi thương.Mẫu 2
Việt Nam có rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về nghệ thuật trào phúng, các tác giả đó phải kể đến như Vũ Trọng Phụng... Ông có rất nhiều những tác phẩm hay, trong đó người đọc không bao giờ có thể quên được đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, với một nhan đề đầy hấp dẫn và thu hút người đọc. Mỗi một tác phẩm, thành công lớn nhất không chỉ ở nội dung và nghệ thuật mà nó còn thể hiện ngay trong chính nhan đề mà tác giả đã đặt trong tác phẩm của mình, một tác phẩm hấp dẫn và hay là một tác phẩm có nhan đề đã thâu tóm được toàn bộ nội dung cũng như ý nghĩa mà tác giả muốn thể hiện trong chính tác phẩm của mình. Và Hạnh phúc của một tang gia là một điển hình như thế, ngay trong chính nhan đề tác giả đã thể hiện ngay được những ý nghĩa, cũng như nghệ thuật mà tác giả muốn thể hiện trong chính tác phẩm của mình, hạnh phúc của một tác giả là tác phẩm phản ánh rõ nét nhất những hình ảnh sinh động, được sử dụng trong tác phẩm. Ở đây nhan đề đã có sự đối lập giữa hạnh phúc và tang gia, tang gia là nơi thể hiện sự đau thương, mất mát, những nỗi mất mát đó thật đau buồn, khổ đau, thế nhưng tác giả lại thể hiện từ hạnh phúc, ở đây đã mang ý nghĩa phê phán, tố cáo một xã hội thối nát. Họ đã biến đám tang của người mất trở thành nơi để họ trình diễn đủ mọi thứ, tất cả những điều này đều tố cáo phản ánh xã hội lúc bấy giờ, nó thối nát, tố cáo cách sống cũng như những hành động mà chúng đã thể hiện trong chính tác phẩm này. Tác phẩm không chỉ để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc bởi những tiếng cười, tuy nhiên trong tiếng cười đó nó cũng phần nào phản ánh những tính cách, số phận, những con người sống trong đó, họ là những con người đang bị bần cùng bởi lòng tham. Nhan đề không chỉ để lại cho người đọc những suy ngẫm về hình ảnh của những con người đang diễn trò trước đám tang của cụ tổ, họ đã diễn những trò lố lăng, kệch cỡm, để làm trò trước thiên hạ. Hình ảnh đó không chỉ tạo nên những tiếng cười trào phúng mà nó còn phản ánh sâu sắc những con người đang sống trong đó, hình ảnh đó đã mang đậm sự phản ánh, sự đối lập giữa hai hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm. Hình ảnh của người chết đau buồn, đáng thương và đối lập với những con người đang vui vẻ, trước cái chết đó, họ vui mừng bởi họ được chia tài sản, họ được thể hiện những tình cảm và thể hiện mình trong đám tang. Ngay trong chính nhan đề tác giả đã phản ánh mạnh mẽ những thói hư tật xấu của những con người đó xuất hiện trong chính tác phẩm. Hình ảnh này không chỉ đem lại cho người đọc những cảm xúc, những nhớ nhung, và còn phần nào tố cáo chế độ thối nát, ở đó xuất hiện những con người không có lương tâm. Đám tang trở thành trò cười cho thiên hạ bởi đây là lễ hội trình diễn thời trang, huân huy chương và còn để cho những con người đạo đức giả, thể hiện thói xấu của mình. Đoạn trích đã thể hiện được sâu sắc nội dung mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm, không chỉ thể hiện nghệ thuật trong tác phẩm mà tác giả còn thể hiện cả nghệ thuật trong chính nhan đề mà tác phẩm này đang thể hiện.Mẫu 3
Vũ Trọng Phụng được biết đến là một cây bút trào phúng xuất sắc, là một nhà văn đa tài, thành công trên nhiều thể loại. Tác phẩm "Số đỏ" tác phẩm văn học tiêu biểu phê phán kịch liệt xã hội tư sản thành thị trước Cách mạng tháng 8. Chương XV "Hạnh phúc của một tang gia" đem đến cho người đọc một màn hài kịch vô cùng ấn tượng, qua đó làm nổi bật được bản chất của giai cấp thượng lưu thời bấy giờ. Không chỉ ấn tượng với người đọc bởi việc xây dựng các nhân vật trào phúng, chương XV còn được tạo dấu ấn ngay cả ở nhan đề của chương: "Hạnh phúc của một tang gia". Từ trước đến nay, khi nhắc đến "hạnh phúc", người ta thường nghĩ ngay đến những điều vui vẻ, những chuyện hỉ sự, may mắn, hoặc là tất cả những điều làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa. "Tang gia" nghĩa là một gia đình đang có người mất, đang phải sống trong nỗi buồn đau mất mát. Hai khái niệm mang ý nghĩa đối ngược nhau dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt hai khái niệm ấy trên cùng một dòng, tạo nên một nhan đề nghịch lý. Cách đặt tên như vậy như nêu ra khái niệm kia là điều kiện để tạo ra khái niệm này. Ý nghĩa của nó muốn thể hiện nội dung: Có người chết thì mới vui, có niềm vui là vì trong gia đình có người chết. Tang gia mà lại vui vẻ, hạnh phúc, vì thế, nhan đề tạo ra sự mâu thuẫn, mang lại tiếng cười thâm thúy. Nhan đề có một không hai đó, chính là tiền đề để bộc lộ được toàn bộ nội dung đoạn trích. Cái chết của cụ cố Tổ đã đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm sung sướng tột cùng cho tất cả thành viên trong gia đình. Cụ cố Hồng trở thành người già nhất, ông Phán mọc sừng được thêm tiền, ông Văn Minh sung sướng vì chúc thư sẽ được đưa vào thực hành chứ không còn là lý thuyết nữa, bà Văn Minh sung sướng vì sẽ được ra mắt những bộ âu phục thời trang, Tuyết hạnh phúc vì được mặc những bộ cánh áo khoe mình, Tú Tân được dịp trổ tài chụp ảnh... Bên cạnh đó, cả bạn bè, bà con lối phố cũng được lây lan những niềm vui nho nhỏ. Hai cảnh sát Min Đơ, Min Toa vì có người chết mới có việc làm, các bạn cụ cố Hồng thì được dịp khoe huân chương, khoe râu, nhìn da thịt cô Tuyết, sư cụ Tăng Phú được dịp ra oai, ông Typn được dịp lăng xê những trang phục mới... Vậy là chỉ một cái chết, một đám tang thôi mà đã đem đến niềm vui cho biết bao nhiêu người. Đây chẳng phải là hạnh phúc của một tang gia ư? Nhan đề "Hạnh phúc của một tang gia" đã góp phần tố cáo, lật tẩy bộ mặt thật của xã hội Tư bản. Tác giả đã góp phần lật tẩy bộ mặt, bản chất bất hiếu, đạo đức giả của con cháu cụ cố Tổ nói riêng và xã hội tư sản nói chung. Đó là một xã hội lố lăng, kệch cỡm, đạo đức giả, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Ở xã hội đó, mối quan hệ giữa con người với con người chỉ như một sợi dây giả tạo, ngay cả mối quan hệ người thân trong gia đình cũng chỉ là những tính toán vật chất nhỏ nhen. Xã hội ấy, đồng tiền đã chi phối toàn bộ đạo đức, nhân cách của con người. Các giá trị về nhân cách đã bị bào mòn bởi lối sống thực dụng, "Tây hóa". Đây là cách đặt nhan đề trào phúng của tác giả. Nhan đề mang lại tiếng cười sâu cay, đả kích bản chất thật của những con người trong tầng lớp thượng lưu, tuy bên ngoài hào nhoáng, nhưng các giá trị đạo đức bên trong đã bị băng hoại.Mẫu 4
“Hạnh phúc của một tang gia”- Cái nhan đề chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa. Một tang gia nhưng lại hạnh phúc, đúng là một lẽ ngược đời. Ấy vậy mà, cái lẽ ngược đời ấy lại đang tồn tại, đằng sau cái chết của ông cụ cố hơn 80 tuổi kia lại là hạnh phúc cho những đứa con đứa cháu. Ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng đã làm bật lên cái lố lăng của xã hội lúc bấy giờ ngay ở cái nhan đề đoạn trích. Vũ Trọng Phụng được người ta nhớ đến với cái tên: “Ông vua phóng sự của đất Bắc Kỳ”, ông viết văn, viết báo và có nhiều tác phẩm được người đọc biết đến. Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” trong tiểu thuyết “Số đỏ” được biết đến nhiều nhất, đó là câu chuyện về một bộ phận người Việt Nam cũ đua đòi Âu hoá và chạy theo tiền tài, vật chất, danh vọng, coi khinh giá trị con người và những vẻ truyền thống vốn có. Để châm biếm bộ mặt của gia đình có tang kia, tác giả đã đi vào từng nhân vật để người ta thấy được họ đang buồn đau thương xót hay họ đang mượn cái đám tang đó để thực hiện mục đích của mình. Có lẽ, cái chết của người cha, người ông, người để lại tài sản cho họ lại là cái vui sướng, cái mà họ luôn mong chờ. Họ mừng vì được khoe mẽ những cái họ cho là thời thượng, là làn gió mới nay mới có cơ hội cho thiên hạ trầm trồ, họ cũng mừng vì cái khối tài sản ông cụ cố tổ để lại sẽ đi vào thời kỳ hiện thực hoá chứ không phải chỉ trên giấy tờ nữa. Đầu tiên là cụ cố Hồng- con trai của cụ cố tổ, cụ thầm vui mừng vì sắp được nhân cơ hội này để tỏ ra mình già yếu khi lo cái chết cho cha mình. Bên cạnh đó, ông Văn Minh và ông TYPN thì háo hức vì sắp được quảng cáo những bộ trang phục đám tang cách tân, đổi mới. Họ biến cái đám tang thành hội chợ để buôn qua bán lại. Rồi bà Văn Minh cũng đang mong chờ đến dịp để chưng diện bộ đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng, viền đen. Cô Tuyết thì bộc lộ vẻ lẳng lơ tột độ, đến đám tang trong bộ trang phục ngây thơ “Cái áo mỏng trong coóc xê hở cả nách và nửa vú”, nét buồn lãng mạn thừa thãi vì nhớ người tình cũng được cô đem vào trong đám tang, một sự lố lăng quá thể. Cậu Tú Tân thì vui sướng vì có cơ hội khoe cái máy ảnh lâu chưa có dịp dùng, hình ảnh cậu dẫm lên hết các nấm mồ để chụp ảnh quả thật là nực cười. Ông cháu rể- Phán mọc sừng thì đi khoe khoang khắp chốn việc mình bị cắm sừng, ông mừng vì sau vụ này lại có thêm tiền. Đúng là một sự lố lăng không đến cười ra nước mắt. Cái hạnh phúc ấy không phải chỉ có với gia đình tang gia mà những kẻ bên ngoài cũng nhờ dịp này để khoe mẽ, để đổi đời. Điển hình là Xuân tóc đỏ, một kẻ vô học sống bằng việc nhặt bóng chuyền ở sân quần vợt và quảng cáo thuốc phiện, nhờ cơ may đến mà cứ nghiễm nhiên trở thành đốc- tờ Xuân- một sinh viên trường thuốc. Rồi lại là người góp công rất lớn trong việc dẫn ông cụ cố tổ đến với cái chết. Lẽ ra cái kẻ gián tiếp gây ra cái chết của cụ cố tổ phải bị lên án, nhưng không con cháu của cụ lại biết ơn hắn và ra sức đền ơn hắn. Đúng là sự phụ ơn phụ nghĩa của những kẻ vô học thức, cái chết của người để lại tài sản cho họ lại là niềm vui sướng hạnh phúc. Hai từ tang gia và hạnh phúc vốn dĩ đối chọi nhau chan chát, thế nhưng ở tác phẩm này nó lại đi liền với nhau, một sự trái khoáy đến lố bịch. Không khí chuẩn bị buổi tang lễ lại vô cùng phấn khởi, vui mừng, ai ai cũng mong nó diễn ra để người này người kia phô ra sự mới mẻ, đặc sắc, hay cả sự già yếu, sự giàu sang, ngây thơ của mình. Bên cạnh đó, đến dự đám tang là những ông cổ đeo đầy những huân chương nọ kia, những nam thanh nữ tú “chim cò” nhau. Một đám tang nhưng lại là nơi để tán tỉnh, để hẹn hò, để lăng xê nhau, để khoe mẽ với thiên hạ. Một đám tang được tổ chức theo kiểu “trưởng giả học làm sang”, Tây ta lẫn lộn. Có kiệu bát cống, kèn ta kèn Tây lẫn lộn, có cả lợn quay che lọng, có khác nào một đám rước. Sự đau thương khi có người mất đã biến thành nơi để họ tình tứ, họ khoe của. Nhà có đám mà lại hạnh phúc, đúng thật là một sự mỉa mai cho cái lố bịch của lớp người đua đòi Âu hoá. Cái đám tang phải khiến cho người trong quan tài cũng phải bật cười nếu không gật gù cái đầu. Bằng ngòi bút châm biếm đả kích vào lối sống lố lăng của một bộ phận người trong xã hội cũ, tiếng cười mỉa mai cho bộ mặt thật của những người đi đưa ma dùng vẻ mặt buồn rầu của nhà có đám tang để mà tán tỉnh, bình phẩm nhau. Ngay nhan đề tác giả đặt đã bộc lộ được tiếng cười mỉa mai dành cho sự lố lăng của một bộ phận người vô học, thích đua đòi theo lối Âu hoá.Mẫu 5
Vũ Trọng Phụng là một cây bút hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930- 1945. Ông được mệnh danh là bậc thầy trào phúng hay ông vua phóng sự đất Bắc. "Số đỏ" là một trong những tiểu thuyết trào phúng tiêu biểu của ông. Thông qua tác phẩm, nhà văn đã lên án và đả kích mạnh mẽ cái xã hội tư sản thành thị và tầng lớp thượng lưu mải chạy theo những phong trào văn minh âu hóa. Bút pháp trào phúng của nhà văn trở nên thành công và hấp dẫn một phần nhờ cách đặt tiêu đề chứa nhiều dụng ý. "Hạnh phúc một tang gia" cũng là một nhan đề mâu thuẫn gây nhiều tò mò và hứng thú cho người đọc. Đọc nhan đề, ta dễ dàng nhận thấy hai từ mang ý nghĩa trái ngược nhau nhưng lại được đặt cạnh nhau. Theo lẽ thường, tang gia thể hiện sự đau buồn, mất mát, người ở lại khóc thương, nuối tiếc người ra đi. Trạng thái hạnh phúc không thể nào xuất hiện trong một hoàn cảnh như vậy được. Lẽ nào người ta lại hạnh phúc, vui mừng, thỏa mãn trước sự ra đi của kẻ khác, chứ chưa nói đến ở đây lại là người thân của mình. Vậy mà, trong đoạn trích, tang gia lại đem đến niềm hạnh phúc, có phải là quá trớ trêu? Sự kết hợp giữa hạnh phúc và tang gia đã làm cho tác phẩm toát lên ý vị trào phúng đầy cay độc. Chỉ 6 chữ thôi nhưng đã hàm chứa tất cả ý nghĩa phê phán, tố cáo xã hội thối nát, băng hoại đạo đức đương thời. Qua nhan đề, ta nhận ra một sự thật đầy đau đớn và tàn nhẫn: con cháu của gia đình này vô cùng sung sướng và vui mừng khi cụ cố tổ chết. Và từ những hành động lố lăng, kệch cỡm của họ đã vạch trần hết bộ mặt, bản chất con người họ, với tất cả những gì trái với luân thường đạo lí. Đám ma trở thành dịp để cho đám con cháu khoe mẽ, thể hiện lòng hiếu thảo giả tạo: cụ cố Hồng mơ màng nghĩ đến cảnh mình mặc đồ xô gai chống gậy ho lụ khụ để thiên hạ bình phẩm ngợi khen, cô Tuyết có dịp khoe thân thể nõn nà, mặc bộ cánh ngây thơ để thể hiện mình còn trong trắng, bà Văn Minh thì sốt ruột vì chưa được mặc những đồ xô gai tân thời, những người đến đưa tang thì có dịp để khoe khoang địa vị và phê bình đủ kiểu... Những người tham dự đám ma không đến vì mục đích tiễn đưa người đã khuất mà chỉ vì lợi ích riêng của mình, họ che đậy sự bất hiếu bằng bộ áo hiếu thảo và lòng xót thương giả tạo. Qua đó, tác giả bộc lộ thái độ khinh ghét, căm phẩm trước hiện thực đau lòng và sự băng hoại đạo đức truyền thống. Đồng tiền lên ngôi, tình người xuống giá. Nhà văn mỉa mai thói sống đạo đức giả thích phô trương nhưng bên trong lại trống rỗng. Đám ma trở thành một ngày hội tưng bừng với tất cả những hành động kệch cỡm, "một đám ma gương mẫu", đầy đủ tất cả mọi thứ nhưng chỉ thiếu một thứ quan trọng nhất đó chỉ là tình người. Quả thực, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên một tấn bi hài kịch thật đặc sắc. Ẩn sau những hành động kệch cỡm, lố lăng của đám con cháu chính là lòng đau xót cho sự băng hoại tình người và những giá trị đạo đức truyền thống. Nhan đề tác phẩm đã gói gọn mọi cái bi, cái hài cùng thái độ mỉa mai và căm phẫn của tác giả. Vũ Trọng Phụng đã rất sáng tạo và dụng công trong việc đặt nhan đề "Hạnh phúc một tang gia". Qua nhan đề ấy, người đọc phần nào hiểu được ý đồ nghệ thuật của tác giả trong việc truyền tải thông điệp nội dung tác phẩm.Các bài viết liên quan
Các bài viết được xem nhiều nhất
5 tác phẩm trọng tâm ôn thi THPT Quốc gia 2024 môn Ngữ Văn khả năng...
24623 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...
603 View
Đáp án CHÍNH THỨC đề thi tốt nghiệp THPT 2023 từ Bộ GD&ĐT (Tất cả...
562 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...
538 View