Phân tích tác phẩm TIẾNG HÁT CON TÀU - Chế Lan Viên

TIẾNG HÁT CON TÀU

Chế Lan Viên

I. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả:

Chế Lan Viên (1920 - 1989) là nhà thơ lớn của thi ca hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên có phong cách riêng độc đáo và sắc nét, đó là chất trí tuệ và sự tài hoa trong những suy tưởng, triết luận sâu sắc cùng thế giới hình ảnh đa dạng, tinh tế và gợi cảm.

2. Tác phẩm:

Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên hành trình thơ cách mạng. Cũng như cả tập thơ, bài thơ Tiếng hát con tàu đã thể hiện sự gặp gỡ kì diệu giữa cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh với cảm hứng về sự hồi sinh của chính tâm hồn nhà thơ, đó cũng là ngọn nguồn cho lòng biết ơn và sự gắn bó sâu sắc của Chế Lan Viên với cuộc đời, nhân dân, đất nước.

II. TÌM HIỂU BÀI THƠ

1. Hai khổ thơ đầu - một cuộc tự chất vấn của nhà thơ với chính lòng mình, cũng là sự trăn trở, hối thúc, tự giục giã lên đường.

Câu thơ mở đầu đã bộc lộ đồng thời cả những khát khao lẫn niềm trăn trở:

Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?

Biểu tượng cơ bản trong cả bài thơ là con tàuTây Bắc. Thực tế lúc đó chưa hề có đường tàu lên Tây Bắc nên hình ảnh con tàu trong bài thơ hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa ẩn dụ cho khát vọng lên đường, khát vọng được đi xa. Còn Tây Bắc, trước hết, đó là tên gọi vùng núi cao ở Tây Bắc Tổ Quốc, nơi hướng đến của phong trào vận động nhân dân miền xuôi đi xây dựng kinh tế miền núi những năm 1958 - 1960, nơi ghi khắc những kỉ niệm không thể nào quên trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng không dừng lại ở ý nghĩa cụ thể về một vùng đất, Tây Bắc còn gợi đến những miền đất xa xôi của đất nước, là hình ảnh cuộc sống rộng lớn của nhân dân đang chờ đợi những bàn tay khai phá, dựng xây. Câu thơ do đó đã bộc lộ khát vọng tới với cuộc đời, đất nước, nhân dân, và với tâm thế của một nhà thơ, đó cũng là khát vọng đến với hiện thực phong phú, bề bộn cuộc sống - ngọn nguồn sáng tạo của thi ca. Tự phân thân trong đại từ nhân xưng anh ở ngôi thứ hai, nhà thơ đã tạo ra một vị thế thích hợp cho những trăn trở, băn khoăn trong dòng độc thoại nội tâm, là vị thế giúp nhà thơ có thể trung thực với mình, chân thành với những khát khao. Những hình ảnh đối lập giữa bạn bè đi xa còn anh giữ trời Hà Nội, giữa đất nước mênh mông với đời anh nhỏ hẹp làm rõ hơn hoàn cảnh và tâm trạng bức bối, bồn chồn của nhà thơ lúc đó. Khi biết bao người đang hăng say lao động dựng xây đất nước ở những vùng đất mới trong đó có Tây Bắc; khi bao lớp văn nghệ sĩ đã lên đường tìm cảm hứng sáng tác ca ngợi cuộc sống mới, con người mới thì Chế Lan Viên vẫn chưa thể đến với những miền đất xa xôi, chưa được bước chân lên con tàu mộng tưởng. Lắng nghe tiếng gọi khát khao của những không gian mênh mông phóng khoáng với ào ạt gió ngàn, cảm nhận sự nghèo nàn khô cạn của cảm xúc nghệ thuật khi thi nhân quấn quanh giữa những cửa ô Hà Nội để tàu đói những vành trăng mơ mộng, nhà thơ nhận thức sâu sắc rằng chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép. Từ những nhận thức và xúc cảm ấy, thi nhân hiểu rằng đến với cuộc đời, đến với hiện thực bề bộn, phong phú lớn lao của nhân dân, đất nước là nhu cầu bức thiết, là lẽ sống của thi ca. Khát vọng lên đường mãnh liệt đã thể hiện qua một loạt những câu hỏi dồn dập vừa nhắc nhở, chất vấn, vừa giục giã, hối thúc: Anh đi chăng?... Anh có nghe?... sao chửa ra đi? Và nếu những câu hỏi là sự hối thúc bên trong của chủ thể trữ tình thì một loạt các động từ: lên, đi xa, rú gọi, gọi, chờ gặp... lại là sự giục giã từ bên ngoài qua cảm nhận bồn chồn của thi nhân. Sự hòa nhập giữa chủ quan và khách quan, sự cộng hưởng giữa câu hỏi bên trong với tiếng gọi bên ngoài đã là nên niềm khát khao say đắm của Tiếng hát con tàu. Và nếu coi thơ là tiếng lòng của thi nhân trước cuộc đời thì chính sự hòa nhập, cộng hưởng ấy đã trở thành cội nguồn đầu tiên của thi ca. → Cả đoạn thơ là nỗi trăn trở day dứt của một tâm hồn khao khát mãnh liệt được hòa nhập với cuộc đời, với nhân dân, đất nước, khao khát những chuyến đi xa tới những chân trời mới lạ để được trở lại với chính mình, để tìm cảm hứng sáng tạo cho thi ca.

2. Hai khổ 3 và 4 - Niềm thành kính, biết ơn hướng về Tây Bắc và cuộc kháng chiến.

2.1. Niềm thành kính, biết ơn hướng về Tây Bắc.

Trước hết, Tây Bắc được gợi nhớ như một xứ sở thiêng liêng, anh hùng, nơi đã lưu giữ những kỉ niệm sâu sắc thời kháng chiến, nơi giúp Chế Lan Viên tìm lại chính mình khi nhận thức được sự vĩ đại của đất nước, nhân dân qua thực tế hào hùng của kháng chiến:

Trên Tây Bắc, ôi mười năm Tây Bắc

Xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng.

Cụm từ Trên Tây Bắc chính là sự nối tiếp với câu thơ cuối của đoạn 2 - Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia. Sự nối tiếp ấy cho thấy tâm hồn nhà thơ đã thực sự đến với Tây Bắc trong sự gắn bó mật thiết để từ điểm đến ấy, nhà thơ bắt đầu trở về với những suy ngẫm và cảm xúc sâu xa thấm thía, những kỉ niệm thắm thiết ân tình. Những tính từ thiêng liêng, anh hùng đã thể hiện niềm cảm phục và thành kính vô cùng của nhà thơ đối với miền đất Tây Bắc, với con người Tây Bắc, cũng là với nhân dân - những con người bình dị và vĩ đại đã làm nên cuộc kháng chiến oanh liệt, hào hùng. Tây Bắc còn được nhắc đến trong niềm biết ơn chân thành của nhà thơ:

Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất

Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân

Có thể hiểu máu r tâm hồn chính là ẩn dụ cho nỗi đau đớn trong tâm hồn nhà thơ - nỗi đau của nhận thức, của quá trình tự chiến đấu với cái Tôi vị kỉ trong chính con người mình để thay đổi, trưởng thành. Chế Lan Viên đã từng day dứt vì những năm tháng "ngủ trên giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nát cuộc đời con". Với Chế Lan Viên và những văn nghệ sĩ lớp trước đi theo cách mạng thì Tây Bắc và cuộc kháng chiến là miền đất và những năm tháng không thể nào quên - đó là nơi mà hiện thực vĩ đại của kháng chiến đã tác động mãnh liệt đến sự chuyển biến tư tưởng và sự nghiệp nghệ thuật của họ trong hành trình đến với nhân dân, đất nước và cách mạng. Đó là nơi nhà thơ tự lột xác, tự chia tay với cái tôi siêu hình trong thế giới Điêu tàn xa xưa của mình để hòa nhập với cái ta chung của cuộc đời mới. Mà sự lột xác nào chẳng đau đớn đến mức tâm hồn như rỏ máu. Hai hình ảnh trong hai câu thơ liên kết với nhau bằng quan hệ nhân quả: máu có tâm hồn - dạt dào chín trái, đó chính là quan hệ biện chứng giữa nỗi đau đớn và sự sinh thành - những thành tựu nghệ thuật gặt hái ngày hôm nay đã phải đổi bằng bao nhiêu dằn vặt, đau đớn ngày hôm qua.

2.2. Niềm thành kính, biết ơn hướng về cuộc kháng chiến.

Khổ thơ sau mở đầu bằng tiếng gọi đầy cảm xúc hướng về quá khứ của cuộc kháng chiến chống Pháp:

Ơi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường

Thời gian là một khái niệm vô hình, trừu tượng, thời gian mười năm của cuộc kháng chiến được hữu hình hoá qua hình ảnh so sánh với ngọn lửa thiêng bất diệt. Hình ảnh so sánh cho thấy trong mười năm ấy, nhân dân ta, dân tộc ta sống hết mình, cháy hết mình trong ngọn lửa của trái tim Đan kô - ngọn lửa của lòng yêu nước và căm thù giặc, ngọn lửa của ý chí bất khuất kiên cường và bị sinh anh dũng, ngọn lửa giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng. Mối quan hệ giữa mười nămnghìn năm càng khẳng định tính chất vĩnh hằng của những giá trị đẹp đẽ, những phẩm chất cao quí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng. Ngọn lửa thiêng soi đường cho dân tộc ngàn năm sau, cũng là ngọn lửa soi đường dẫn lối cho nhà thơ về với nhân dân, cho thi ca tới với cuộc đời. Hai câu cuối là lời tự nhủ chân thành của nhà thơ về hành trình nghệ thuật của mình:

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương

Nhà thơ đã giác ngộ và đã trưởng thành, đã đến với cách mạng, với nhân dân theo ngọn lửa soi đường của kháng chiến nhưng ông hiểu rằng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Sự tiếp nối của các cụm động từ trong hai câu thơ: đã đi...cn vượt về gặp lại cho thấy ý chí phấn đấu không mệt mỏi của nhà thơ, cũng thế hiện niềm biết ơn thành kính và sự gắn bó sâu xa với nhân dân khi nhà thơ coi việc đưa thi ca trở về với Mẹ nhân dân là đích đến thiêng liêng nhất trong hành trình nghệ thuật của mình. Nhận thức dẫn đường cho cảm xúc, lời nguyện cầu Cho con về... gợi bao nhiêu trìu mến, thiết tha, cụm từ về gặp lại M yêu thương cũng có bao nhiêu thành kính, yêu thương và ấm áp - về với nhân dân, nhà thơ sung sướng như đứa con thơ được trở về bình yên trong lòng Mẹ, như người khách bộ hành mệt mỏi trở về cội nguồn nơi từ đó lạc bước ra đi. → Đoạn thơ đã bộc lộ niềm thành kính và lòng biết ơn sâu nặng của Chế  Lan Viên với miền đất thiêng Tây Bắc và những năm tháng kháng chiến hào hùng, oanh liệt. Đó là mảnh đất, là năm tháng có ý nghĩa sâu sắc với cả dân tộc và đặc biệt là với riêng nhà thơ trong hành trình nghệ thuật của mình. Trưởng thành từ đó, nay thi nhân lại khao khát hướng về nguồn cội, cũng là cách để nhà thơ thể hiện tâm nguyện tha thiết đưa nghệ thuật trở về với cuộc đời, về với nhân dân, đất nước.

3. Khổ 5 - Lòng biết ơn sâu sắc, niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi được trở về với nhân dân - khát vọng hướng về nhân dân.

- Sau tâm nguyện tha thiết: Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương trong câu cuối của khổ 4, toàn bộ khổ 5 đã lí giải sâu sắc và thấm thía tâm nguyện ấy bằng việc khẳng định vai trò lớn lao, vĩ đại của nhân dân đối với cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ. Sự tương đồng giữa hình ảnh Mẹ yêu thương trong khổ 4 và khái niệm nhân dân trong khổ 5 cùng cách dùng từ con khi hướng về nhân dân cho thấy tình cảm thành kính, thắm thiết và sự gắn bó máu thịt của Chế Lan Viên dành cho nhân dân, và cụ thể ở đây là người dân Tây Bắc với bao ân tình sâu nặng trong quá khứ. - Lời bộc bạch Con gặp lại nhân dân đã khẳng định đây là sự trở về với những kỉ niệm thiêng liêng trong niềm biết ơn vô hạn. Lòng biết ơn và niềm hạnh phúc khi được trở về với Mẹ nhân dân đã được cụ thể hoá qua năm hình ảnh so sánh đầy ý nghĩa. Trước hết, niềm hạnh phúc của nhà thơ khi trở về với Mẹ nhân dân được so sánh như nai về suối cũ. Đây là một so sánh thích hợp với nỗi lòng của một nhà thơ đang đăm đắm hướng về núi rừng Tây Bắc. Mỗi sinh vật thường chỉ tồn tại trong một môi trường nhất định: chim trên trời, cá dưới nước, thú trong rừng… Suối là một hoán dụ cho rừng núi; tính từ gợi ra bao nhiêu tin cậy, thân yêu: nai về suối cũ là hình ảnh đem lại cảm giác bình yên khi được trở về với môi trường sống thân thuộc. Trở về với nhân dân, nhà thơ sung sướng như được trở về với cội nguồn, nơi có bao nhiêu kỉ niệm trong quá khứ, bao gắn bó nhớ thương trong hiện tại, nơi luôn chờ đón những đứa con xa trở về trong tình yêu thương bao la của Mẹ, nơi nhà thơ luôn tìm thấy sự thanh thản, bình yên. Hình ảnh Cỏ đón giêng hai gợi ra cảnh cỏ cây tàn héo của mùa đông được hồi sinh trở lại trong ánh sáng và hơi ấm của mùa xuân. Đây là so sánh có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời cũng như tư tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên một nhà thơ từng chán chường với tất cả:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Đem chi xuân đến, gợi thêm sầu.

Đưa thi ca trở về với hiện thực vĩ đại trong cuộc sống của nhân dân, nhà thơ như được tiếp thêm sức sống, cái Tôi đau khổ, lạnh lẽo trong thế giới Điêu tàn như được hồi sinh, tất cả bỗng như bừng thức mãnh liệt, từ tình yêu đời, xúc cảm nghệ thuật cho đến khả năng sáng tạo. Trong hình ảnh chim én gặp mùa thì mùa chỉ có thể là mùa xuân, mùa để những đàn chim tránh rét trở về, mùa để những cánh én mặc sức liệng bay trong bầu trời xuân ấm áp và trong sáng. Cánh én báo hiệu mùa xuân - mùa đầu tiên và đẹp nhất trong năm, vì thế cánh én mùa xuân đã trở thành biểu tượng cho niềm vui, sức sống và những khao khát say mê. Trở về với nhân dân, nhà thơ như được đặt đúng vào môi trường thuận lợi nhất để hồn thơ bay bổng và sáng tạo. Sự trở về của nhà thơ với nhân dân còn được hiện ra trong một so sánh đặc sắc: Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa, nhân dân và hiện thực lớn lao, phong phú trong cuộc sống của nhân dân tựa như bầu sữa mẹ ngọt lành ấm nóng, nhân dân là sự nuôi dưỡng chở che, nhân dân sẽ vỗ về đứa con xa trở về trong lòng Mẹ. Hiện thực của cuộc sống nhân dân tựa như cây đời mãi mãi xanh tươi, tựa như nguồn phù sa màu mỡ, đắp bồi vô tận cho hồn thơ. Và cuối cùng, hình ảnh Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa đã khẳng định ý nghĩa lớn lao vô cùng của nhân dân đối với cuộc đời, xúc cảm nghệ thuật và khả năng sáng tạo của nhà thơ, đó là sự tiếp sức. Chiếc nôi ngừng lại và bỗng gặp cánh tay đưa trìu mến, nhà thơ mệt mỏi bế tắc trong thung lũng đau thương, kiệt sức, hoang mang trong thế giới Điêu tàn đã bất ngờ và sung sướng khi gặp cánh tay tin cậy, chắc chắn và chan chứa tình yêu thương của Mẹ nhân dân dẫn lối đến cánh đồng vui bát ngát của thi ca cách mạng. Những hình ảnh giàu sắc thái biểu tượng trong hình dung của người đọc: nai đang ngơ ngác, cỏ đang héo tàn, chim én đang run rẩy lạnh lẽo, đứa trẻ đói lòng, chiếc nôi ngừng nhịp..., những động từ liên tiếp lặp lại trong cả khổ thơ: gặp, gặp lại, về, đón,…, những hình ảnh ấm áp, thân yêu: suối cũ, màu xuân, bầu sữa mẹ, cánh tay đưa... - tất cả đều cho thấy Mẹ nhân dân đã xuất hiện kịp thời nhất, đúng lúc nhất, trìu mến, bao dung, nhân hậu nâng bước đứa con xa trở về, làm hồi sinh sức sống, giúp bay bổng sức sáng tạo, trả lại niềm yêu đời cho thi nhân đang chán chường tuyệt vọng với đời. Từ đó, người đọc nhận ra vui, niềm hạnh phúc và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ khi gặp lại nhau khi đưa thi ca về với cuộc đời - về với ánh sáng soi đường và nguồn phù sa đắp bồi cho hồn thơ. Tất cả những so sánh trong khổ 5 còn cho thấy sự trở về của nhà thơ với nhân dân không chỉ là nhu cầu, là hạnh phúc, niềm vui mà còn là lẽ tự nhiên, tất yếu, hợp qui luật: nai chỉ bình yên nơi suối cũ, cỏ cây chỉ xanh tươi trong mùa xuân... và nhà thơ chỉ thật sự là mình, hồn thơ chỉ được nuôi dưỡng, bồi đắp, tiến sức trong hiện thực lớn lao, vĩ đại của cuộc sống nhân dân.

4. Các khổ thơ 6, 7, 8, 11 - Nỗi nhớ da diết của nhà thơ hướng về những kỉ niệm ân tình với nhân dân Tây Bắc trong kháng chiến.

- Cụm từ con nhớ ... liên tiếp lặp lại trong các khổ thơ như một điệp khúc da diết, thể hiện nỗi nhớ sâu nặng khôn nguôi, đó là nỗi nhớ bắt nguồn từ những kỉ niệm cụ thể, xúc động trong quá khứ. Nếu những hình ảnh Mẹ yêu thương trong khổ 4, Mẹ của hồn thơ trong khổ 14 rất thiêng liêng trang trọng nhưng còn mang tính ước lệ của nghệ thuật ẩn dụ, nếu hình ảnh nhân dân trong khổ 5 thực chất vẫn là một khái niệm mang tính trừu tượng thì trong các khổ thơ 6,7,8, khi hồi tưởng lại những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình với nhân dân Tây Bắc trong quá khứ, nhà thơ đã sử dụng những đại từ nhân xưng gần gũi, thân thiết: anh con, em con, mế, con..., trong đó từ con còn mang thêm sắc thái sở hữu thể hiện sự trân trọng, thân yêu và gắn kết thật sâu đậm. Nhờ đó, nhân dân không còn là một khái niệm trừu tượng mà là những con người cụ thể, hơn thế nữa, là những người thân yêu ruột thịt, nhân dân thực sự trở thành gia đình lớn của nhà thơ. - Trong nỗi nhớ của nhà thơ, nhân dân hiện lên trong những con người cụ thể, qua những kỉ niệm xúc động nghĩa tình. + Trước hết, đó là người anh du kích qua kỉ niệm về chiếc áo nâu vá rách trở đi trở lại trong khổ 6 như một biểu tượng của sự bình dị, nghèo khổ, sự nhọc nhằn lam lũ trong suốt một đời. Nỗi nhớ người anh du kích gắn với kỉ vật thiêng liêng là chiếc áo nâu - chiếc áo đã cùng anh đi vào trận công đồn trong đêm cuối cùng oanh liệt như một vật chứng cho sự kiên cường dũng cảm của anh; chiếc áo nâu anh cởi lại cho con như một sự đùm bọc chở che ấm áp, như một sự uỷ thác thiêng liêng nhắc nhở những thế hệ sau hãy tiếp bước cha anh và đừng bao giờ quên những hi sinh thầm lặng và cao cả của nhân dân trong kháng chiến. + Nhân dân Tây Bắc còn hiện lên trong kỉ niệm về em liên lạc dũng cảm kiên cường, bất chấp mọi khó khăn gian khổ để Mười năm tròn chưa mất một phong thư. Những danh từ chỉ thời gian như: sáng, chiều, Mười năm, những danh từ chỉ không gian như bản Na, bản Bắc, rừng thưa, rừng rậm, những động từ như qua, băng, chờ đã làm hiện lên hình ảnh em bé liên lạc nhanh nhẹn, dũng cảm và và xông xáo trong mọi địa hình, mọi nơi, mọi lúc để hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng giao phó. Hình ảnh phong thư mỏng manh nhỏ bé trong sự tương phản với những không gian rộng lớn của núi rừng Tây Bắc, trong sự thử thách khắc nghiệt của thời gian của mười năm tròn kháng chiến đã cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức mẫn cán, sự tận tuỵ, chu đáo của em bé liên lạc trong công việc bình dị của mình, cũng đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ, trìu mến đầu phục của nhà thơ. + Và xúc động nhất vẫn là hình ảnh người mẹ Tây Bắc. Nhắc đến mẹ, nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ thương, niềm xúc động mạnh mẽ mà sâu lắng trong câu thơ ngắt nhịp 3/5 với vế đầu là một cấu trúc cảm thán: Con nhớ Mế!, cấu trúc đặc biệt của câu thơ tạo cảm giác như có một phút ngừng lặng cho nỗi nhớ và niềm biết ơn chân thành của người con. Người mẹ Tây Bắc đã được khắc họa trong một hình ảnh đẹp kì ảo: lửa hồng soi tóc bạc. Đó là ngọn lửa ấm nóng trong một mùa dài lạnh lẽo của núi rừng Tây Bắc, ngọn lửa đỏ chập chờn soi trên mái tóc trắng của mẹ, mái tóc hình như bạc hơn bởi những đêm dài lặng lẽ thức trông con; ngọn lửa vì thế còn gợi đến lòng mẹ ấm áp yêu thương khi chăm sóc những người con xa quê. Hình ảnh lửa hồng soi tóc bạc không chỉ gợi tả bóng mẹ âm thầm bên bếp lửa mà còn làm hiện ra cả ánh mắt và tấm lòng con - ánh mắt biết ơn, cảm kích và tấm lòng yêu thương vô cùng của nhà thơ khi nằm đó, trìu mến dõi theo bóng mẹ, tận hưởng cảm giác bình yên trong tình Mẹ. Hai câu cuối của khổ thơ có thể coi là hai vế của một câu ghép chính phụ thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với người mẹ Tây Bắc - người không sinh thành nhưng có tấm lòng vị tha, nhân hậu và tình yêu thương mênh mông của đấng sinh thành:

Con với Mế không phải hòn máu cắt

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, hình ảnh nhân dân luôn xuất hiện trong cảm hứng về tình Mẹ, lòng Mẹ. Cảm hứng ấy hiện ra trong những câu thơ thành kính và thắm thiết ân tình: Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương... Con gặp lại nhân dân... Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa... Tây Bắc ơi, người là Mẹ … Ngoài ý nghĩa ẩn dụ về sự sinh thành, nuôi dưỡng, về cảm giác bình yên của sự trở về, có lẽ chính kỉ niệm xúc động về người mẹ Tây Bắc đã khiến cho trong lòng nhà thơ, nhân dân luôn được hoá thân vào hình bóng mẹ, và nhân dân trong hình ảnh người Mẹ sẽ mãi là hình ảnh thiêng liêng đẹp đẽ, sẽ mãi là sự chở che ấm áp, ngọt ngào bởi đi suốt đời, lòng Mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên).

+ Nhân dân Tây Bắc còn là hiện lên qua hình ảnh người em gái nuôi quân dịu hiền, thơm thảo với bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương. Trong những ngày đầu kháng chiến, chiến sĩ Tây Tiến cũng đã từng xao xuyến bởi Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Trong lòng những người chiến sĩ xa nhà, hương thơm nồng sàn của xôi nếp đầu mùa gợi cảm giác thanh bình vốn rất hiếm hoi và quí giá trong chiến tranh, gợi nỗi nhớ da diết với những người thân yêu nơi quê nhà, cũng đồng thời là hương thơm của tình quân dân, của tình người sâu nặng. Câu thơ đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch đưa đến những liên tưởng sâu xa: quân dân Tây Bắc ghi dấu thời gian bằng mùa chiến dịch, bằng bữa xôi đầu - những thời điểm không thể quên của kháng chiến, của tình yêu thương. - Các khổ thơ 6, 7, 8 đều xuất hiện những từ ngữ chỉ thời gian thuộc hai phạm trù đối lập: đêm, sáng, chiều, năm, mùa... là các danh từ chỉ thời gian ngắn, hoặc những thời điểm gắn với những kỉ niệm cụ thể về nhân dân; suốt một đời, mười năm tròn, trọn đời... là những cụm từ chỉ khoảng thời gian dài gắn với những cảm nhận của nhà thơ về nhân dân. Sự tương phản trong các từ ngữ chỉ thời gian giúp người đọc nhận ra dụng ý nghệ thuật của Chế Lan Viên: kỉ niệm dù chỉ trong khoảnh khắc những nỗi xót xa cho số phận đói nghèo, niềm cảm phục với sự kiên cường, dũng cảm và nhất là tình yêu, lòng biết ơn sâu nặng với nghĩa tình của nhân dân Tây Bắc thì sẽ theo nhà thơ đến trọn đời. → Bằng việc tạo ra những hình ảnh chân thực, xúc động, sử dụng phép đối lập gây ấn tượng mạnh mẽ, cách xưng hô thân thiết, ruột thịt..., đoạn thơ đã tái hiện những kỉ niệm sâu nặng ân tình giữa nhà thơ với nhân dân Tây Bắc trong kháng chiến, qua đó mà khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của nhân dân, góp phần lí giải cảm hứng chủ đạo của bài thơ: khát vọng hướng về nhân dân.

5. Khổ 9, 10 - Tình yêu và suy ngẫm hướng về Tây Bắc, về nhân dân.

Sau những hoài niệm ân tình, nhà thơ đã bộc lộ tình cảm nhớ thương đằm thắm với cảnh và người Tây Bắc để từ đó, khái quát những qui luật muôn đời trong tình cảm, đúc kết triết lí về sự chuyển hoá kì diệu trong đời sống nội tâm của con người, lí giải thấm thía và thuyết phục khát vọng hướng về nhân dân.

5.1. Khổ 9

Câu thơ mở đầu, khổ 9 lại là nỗi nhớ.

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Từ nhớ điệp lại đầu hai vế câu khiến nỗi nhớ trở nên da diết, miên man, đầy ám ảnh. Nhịp ngắt 4/4 tạo ra kết cấu đối xứng của hai vế câu thơ nhớ bản sương giăng - nhớ đèo mây phủ đưa đến một tiết tấu nhịp nhàng, đăng đối thể hiện cảm giác êm đềm trong nỗi nhớ thương. Bản, đèo là những hình ảnh đặc trưng của một vùng rừng núi, bản và đèo chìm trong sương giăng, mây phủ, vừa là hình ảnh đẹp thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc, vừa gợi tả màn sương mờ nhoà nhạt của những hoài niệm nhớ nhung. Đó cũng là những hình ảnh từng xuất hiện trong câu thơ xao xuyến của Quang Dũng khi nhớ về miền Tây: Người đi châu Mộc chiều sương ấy; hoặc trong câu thơ của Tố Hữu nói về nỗi nhớ của người ra đi với cảnh và người Việt Bắc: Nhớ từng bản khói cùng sương... Nói nhớ bản, nhớ đèo chính là nói về nỗi nhớ cảnh, nhớ người Tây Bắc, nỗi nhớ đã được nhà thơ khẳng định trong câu thơ tiếp theo:

Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương

Những thanh không chơi vơi và sắc thái nghi vấn trong cụm từ nơi nao qua... làm xao xuyến lòng người; cùng với kết cấu phủ định trong vế sau của câu thơ "... lòng lại chẳng yêu thương" đã khẳng định nỗi nhớ của nhà thơ không dừng lại ở một nơi nào cụ thể mà dành cho tất cả mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, cho tất cả những con người Tây Bắc trung hậu, nghĩa tình. Từ xúc cảm của tình yêu và nỗi nhớ, nhà thơ đã hướng tới những suy ngẫm mang tính khái quát của qui luật:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.

Đây là hai câu thơ giản dị mà thể hiện những trải nghiệm sâu sắc. Tác giả đã miêu tả sự chuyển hoá kì diệu trong mối quan hệ giữa tađất trong hai thời điểm tương phản: khi ta ởkhi ta đi. Khi ta sống ở một vùng miền nào đó, mảnh đất nơi ấy chỉ đơn giản là nơi đất ở, là một địa danh, một không gian sống, một không gian khách quan tồn tại bên ngoài ta. Trong câu thơ của Chế Lan Viên, ta là chủ thể, đất là khách thể, tađất là hai thực thể độc lập, giữa tađất vẫn tồn tại một sự cách biệt trong hai vế câu riêng rẽ. Đến khi ta đã cách xa miền đất ấy cả về thời gian và không gian, sự cách biệt lại không còn nữa, vì khi ấy, đất không còn là không gian khách quan bên ngoài, đất đã hóa tâm hồn, đất đã thành một phần máu thịt của con người, khách thể đã chuyển hoá thành một phần trong chủ thể. Câu thơ thể hiện một nét tâm lý chân thực của lòng người: mỗi miền đất nơi ta đã đi qua, đã từng sống và gắn bó, tình cảm với cảnh và người nơi ấy sẽ theo thời gian mà âm thầm bồi đắp nên tâm hồn con người, sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ta. Miền đất ấy sẽ là nơi lưu giữ một phần đời trong kí ức với những kỉ niệm đằm thắm nghĩa tình. Khi ở gần, có thể ta chưa nhận ra những yêu thương, gắn bó vì luôn được bao bọc trong gắn bó yêu thương, chỉ khi đã đi xa, khoảng cách về thời gian và không gian mới khiến con người nhận ra sự trống vắng, hẫng hụt, mới làm thức dậy nỗi nhớ da diết với cảnh, với người, để rồi, trong nỗi nhớ ấy, con người còn nhận ra hình ảnh của chính mình, những tâm tư xúc cảm của mình cùng một phần cuộc đời mình trong quá khứ đã một đi không trở lại. Đây là một triết lí sâu xa về qui luật phổ biến trong đời sống tình cảm của con người. Từ cảm xúc suy tư đúc kết thành những triết lí, qui luật luôn là một nét độc đáo trong phong cách thơ giàu chất trí tuệ của Chế Lan Viên. Và cũng chính vì xuất phát từ cảm xúc nên những câu thơ triết lí không hề khó khăn mà thấm thía, xúc động.

5.2. Khổ 10:

Tới khổ thơ sau, mạch cảm xúc thơ dường như có sự chuyển đổi đột ngột: từ nỗi nhớ và tình yêu với thiên nhiên và con người, từ những tình cảm lớn lao hướng về đất nước, nhân dân, từ những suy ngẫm thâm trầm, sâu sắc về qui luật chung trong tình cảm con người, nhà thơ bất ngờ hướng tới tình yêu lứa đôi:

Anh bỗng nhớ em ...

Có thể coi đây là một bất ngờ muôn thuở của tình yêu bởi tình yêu không bao giờ báo trước, định trước - sự bất ngờ khiến nhà thơ phải dùng tới từ bỗng đầy ngỡ ngàng với chính lòng mình. Và cũng có thể, khi tình yêu với Tây Bắc đằm thắm tới độ Tâm hồn ta là Tây Bắc, khi nghĩ về Tây Bắc, ở nơi sâu thẳm của tâm hồn ấy, không thể không có em. Đó là sự gặp gỡ và hoà quyện tuyệt vời giữa cái chung và cái riêng, giữa một người và mọi người, giữa cuộc đời rộng lớn của nhân dân, đất nước và tình yêu sâu sắc riêng tư của mỗi lứa đôi. Mặt khác, cũng có thể sự liên tưởng đột ngột đến nỗi nhớ trong tình yêu chỉ là tiếp nối ý thơ trong khổ 9, là cách để nhà thơ sẽ lí giải cho sâu sắc, thấm thía hơn tình yêu với Tây Bắc, cũng là sự mở rộng phạm vi ý nghĩa cho tình yêu. - Tình yêu với tất cả những nồng nàn say đắm đã được thể hiện qua một loạt những hình ảnh so sánh tinh tế và giàu sức biểu cảm. + Trước hết, nỗi nhớ người yêu được so sánh như đông về nhớ rét. Đây là hình ảnh so sánh vừa lãng mạn, vừa chứa đựng những suy ngẫm sâu sắc, trí tuệ. Lãng mạn còn vì sự liên tưởng đến cái hanh hao của phút chuyển mùa cuối thu, vì nỗi xao xuyến nhớ nhung khi rét đến. Nhưng bên trong sự lãng mạn lại là những tầng nghĩa sâu xa: rét làm nên mùa đông, có rét, mùa đông mới thực là mùa đông, có em, anh mới thực là chính mình; mùa đông không thể không có rét cũng như anh không thể không có em. Hình ảnh so sánh độc đáo đã khiến em trở thành một phần trong anh, như đất Tây Bắc đã hoá tâm hồn anh sau bao tháng ngày yêu thương, gắn bó. + Vẻ đẹp của tình yêu tiếp tục được thể hiện qua một so sánh thơ mộng.

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Hình ảnh cánh kiến hoa vàng có thể hiểu theo nhiều cách. Nếu hiểu là cây cánh kiến nở hoa vàng, tình yêu theo đó sẽ mang những sắc màu rực rỡ, tươi tắn, đẹp lộng lẫy, gợi liên tưởng tới ca từ đắm say của Hoàng Hiệp: nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ, có khung trời mộng mơ... Nhưng nếu hiểu là tổ cánh kiến trên cây hoa vàng, hai hình ảnh luôn gắn kết ấy sẽ gợi ra vẻ đẹp của sự gắn bó, hòa hợp vĩnh cửu trong tình yêu, sẽ cùng với câu thơ trên tạo ra một hệ thống những phạm trù gắn kết tương đồng: cánh kiến và hoa vàng, mùa đông và cái rét, anh và em, tâm hồn ta và Tây Bắc... + Hình ảnh so sánh trong câu thơ tiếp theo lại làm hiện lên sức mạnh kì diệu của tình yêu:

Như xuân đến, chim rừng lông trở biếc

Ánh sáng và hơi ấm của mùa xuân đã khiến thế giới xung quanh bỗng như bừng thức với những sắc màu rực rỡ: màu vàng lộng lẫy của sắc hoa, màu xanh óng ánh của sắc biếc chim rừng. Động từ trở trong hình ảnh chim rừng lông trở biếc đã đem lại cảm giác náo nức, đắm say kì lạ vì tác giả không miêu tả một màu xanh tĩnh tại, định hình mà làm hiện ra một màu xanh đầy sức sống, đầy sức quyến rũ trong giây phút sinh sôi, cựa quậy, xao động, sinh thành... Quan hệ nhân quả giữa hai động từ đếntrở đã thể hiện sức mạnh của mùa xuân với thiên nhiên, cây lá, chim muông. Ý nghĩa so sánh khiến người đọc nhận ra một sự tương đồng: mùa xuân đem sức sống đến cho thiên nhiên, tình yêu đem sức sống đến cho con người, cũng như mùa xuân, tình yêu làm thức dậy những gì đẹp đẽ, tươi tắn nhất của cuộc đời, khiến con người thấy cuộc sống xung quanh như đáng yêu hơn, lấp lánh kì diệu hơn. + Câu kết cho thấy bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ khi Chế Lan Viên lại đột ngột chuyển từ tình yêu lứa đôi trở về với những cảm xúc lớn lao, những suy tư sâu sắc về quê hương, đất nước:

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

Trong câu thơ có hai khái niệm đối lập: đất lạ quê hương. Đất lạ là miền đất mới, xa lạ với con người; quê hương là mảnh đất thân yêu gần gũi với gia đình và những người thân yêu ruột thịt, là nơi ta sinh ra và lớn lên. Chính tình yêu là phép nhiệm màu đồng nhất hai khái niệm đối lập ấy, khiến đất lạ hóa quê hương. Tây Bắc chính là miền đất lạ với nhà thơ, tuy nhiên, chính Tây Bắc lại là nơi Chế Lan Viên được sống trong tình yêu thương ấm áp của một gia đình lớn với Mế, với anh, với em; những tình cảm đã khiến nhà thơ xúc động và trưởng thành, để sau những dằn vặt của nỗi đau như máu rỏ tâm hồn, ông đã thực sự lột xác, đã đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, gặt hái những thành quả ban đầu trong hành trình nghệ thuật với dạt dào chín trái đầu xuân. Do vậy, với Chế Lan Viên, Tây Bắc thực sự trở thành quê hương thứ hai thân yêu của nhà thơ, là nơi sinh thành một Chế Lan Viên mới - nhà thơ cách mạng. Nhận xét này đã lí giải sâu sắc hơn qui luật tình cảm được đúc kết ở khổ thơ 9: Khi ta ở... hoá tâm hồn. Dân gian có câu: Xa mặt, cách lòng. Đó cũng là một qui luật trong đời sống tình cảm của con người: nếu sống bên nhau mà không có sự gắn kết sâu sắc của tình yêu thì khi xa nhau, khoảng cách thời gian và không gian sẽ làm tăng thêm khoảng cách của lòng người. Nhưng nếu có tình yêu, càng chia xa, sự trống vắng sẽ càng làm dày thêm nỗi nhớ, lúc ấy, đất sẽ hoá tâm hồn, đất lạ sẽ hoá quê hương, khiến Tâm hồn ta là Tây Bắc. Như vậy, cả hai khổ thơ thực chất không hề đứt mạch, những câu thơ nói về tình yêu chỉ làm mạch thơ hướng về Tây Bắc có sức lay động sâu xa, thấm thía hơn. Và ngược lại, chính hình ảnh quê hương cũng khiến tình yêu được mở rộng lớn lao hơn: đó không chỉ là tình yêu lứa đôi mà còn là tình yêu với cuộc đời, với con người, với những miền đất xa xôi của Tổ quốc. → Cũng như cả bài thơ Tiếng hát con tàu, đoạn thơ tiếp tục sử dụng thành công thủ pháp trùng điệp trong các điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp và đặc biệt một hệ thống các hình ảnh so sánh, ẩn dụ đặc sắc. Những hình ảnh giàu sức biểu cảm cùng phép suy tưởng sáng tạo của một ngòi bút tài hoa và trí tuệ đã giúp Chế Lan Viên bộc lộ nỗi nhớ, tình yêu với cảnh và người Tây Bắc, nơi lưu giữ bao kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến, nơi nhà thơ đã tìm thấy con đường đi chân chính của thi ca, qua đó góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ: cảm hứng hướng về nhân dân, đất nước, hướng về hiện thực vĩ đại của cuộc sống nhân dân, cội nguồn của sáng tạo thi ca.

6. Bốn khổ thơ cuối - khúc hát lên đường với cả sự lôi cuốn say mê cùng những suy ngẫm, trải nghiệm.

- Sau những thương nhớ, biết ơn và khao khát, bốn khổ thơ cuối thực sự là khúc hát lên đường sôi nổi, say mê. Tiếng gọi của đất nước, nhân dân, của hiện thực vĩ đại của đời sống đã trở thành sự thôi thúc bên trong, thành lời giục giã của chính lòng mình nên không thể chần chừ: đất nước gọi hay lòng ta gọi; nỗi khát khao được đến với cuộc đời đã dâng tràn tới không thể cưỡng lại tất cả các giác quan như căng lên, náo nức cảm nhận: Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga - Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng... - Nỗi khát khao ấy càng thôi thúc nhà thơ khi đến với đất nước, nhân dân cũng là trở về với cội nguồn của hồn thơ, của cảm hứng sáng tạo thi ca. Những năm tháng gian khổ, những hi sinh lớn lao của nhân dân, những đau thương trong chiến tranh này đã kết tinh lại thành Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào trên mặt đất nng nhựa nóng của cần lao, thành vàng của tâm hồn, thành trái chín đầu xuân, đang vẫy gọi tâm hồn thơ đến với những cơn mơ, những mộng tưởng. - Trong đoạn cuối, cùng âm hưởng sôi nổi, lôi cuốn của các câu thơ là những hình ảnh phong phú, biến hoá sáng tạo mang đậm tính biểu tượng. Hình ảnh con tàu trở lại trong vai trò như một hình tượng trung tâm đưa nhà thơ cùng những khát vọng mãnh liệt đi giữa đất nước với ngói đỏ trăm ga, lúa chín rì rào, giữa nhân dân với tình em đang mong, tình mẹ đang chờ. Kết cấu trùng điệp các yếu tố ngôn từ từ cuối khổ trên xuống đầu khổ dưới tạo ra một âm hưởng liền mạch đầy lôi cuốn, đem đến cảm giác nhà thơ đang cùng con tàu khát vọng băng băng đi tới cuộc đời, tới với nhân dân và đất nước, cũng là tới với những vầng trăng mộng tưởng - cội nguồn sáng tạo của thi ca.

III. KẾT LUẬN

- Tiếng hát con tàu là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật đặc sắc của Chế Lan Viên: những suy tưởng, triết lí đậm chất trí tuệ và thế giới hình tượng phong phú, bay bổng của một ngòi bút tài hoa. Bài thơ thực sự là một khúc hát say mê về lòng biết ơn, tình yêu, sự gắn bó với nhân dân, đất nước của một tâm hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng thi ca và con đường đi tới chân trời nghệ thuật của mình./.

TRỌNG TÂM CHINH PHỤC ĐIỂM 10 THPT QUỐC GIA 2022

MÔN: NGỮ VĂN

CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 1945 - 2000

BÀI 1: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh BÀI 2: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) BÀI 3: Tây Tiến (Quang Dũng) BÀI 4: Tố Hữu BÀI 5: Việt Bắc (Tố Hữu) BÀI 6: Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) BÀI 7: Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) BÀI 8: Sóng (Xuân Quỳnh) BÀI 9: Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo) BÀI 10: Nguyễn Tuân BÀI 11: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) BÀI 12: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) BÀI 13: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) BÀI 14: Vợ nhặt (Kim Lân) BÀI 15: Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) BÀI 16: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) BÀI 17: Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) BÀI 18: Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) BÀI 19: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

Các bài viết liên quan

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Tiếng anh và gợi ý giải...

414 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...

603 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...

537 View

Các bài viết được xem nhiều nhất

Theo dõi Captoc trên

Khoa học xã hội

Facebook Group

270.000 members

Khoa học tự nhiên

Facebook Group

96.000 members