Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong truyện Hai đứa trẻ
205 View
Đề bài: Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam.
A/ Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: - Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm. - Giới thiệu về nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. 2. Thân bài: - Thuộc dòng văn học lãng mạn, truyện không có cốt truyện mà chỉ là được bắt đầu bằng những cảm xúc mơ hồ, mong manh của nhân vật. Chính vì thế, truyện cứ nhẹ nhàng, không có diễn biến, không có cao trào nhưng lại lôi cuốn người đọc. - Điểm nhìn trần thuật được đặt vào nhân vật Liên - một cô bé mới lớn, giàu lòng trắc ẩn và rất tinh tế. Việc đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật ấy khiến cho tác giả có thể đi sâu khai thác tâm trạng và cảm xúc, sự biến đổi tinh tế trong suy nghĩ của nhân vật. - Xây dựng thành công sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối: số phận, sự quẩn quanh bế tắc của những kiếp người nơi phố huyện và khao khát có được một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai. - Ngôn ngữ nhẹ nhàng, giàu chất thơ, tinh tế, mang đậm phong cách của Thạch Lam 3. Kết bài - Giá trị nghệ thuật đặc sắc được thể hiện trong tác phẩm. - Mở rộng vấn đề.B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Thạch Lam (1910-1942) là thành viên của "Tự lực văn đoàn". Ông thành công về truyện ngắn và bút kí qua các tác phẩm như: Gió đẩu mùa, Nắng trong vườn, Hà Nội 36 phố phường.. Tác phẩm của Thạch Lam có "cốt cách và phẩm chất văn học", để lại "cái dư vị và cái nhã thú" cho người đọc. Đó là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân trong Lời bạt cho Tuyển tập Thạch Lam. Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Tuyển tập Thạch Lam. Truyện ngắn này có những nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam. Có thể nói rằng những truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ và Dưới bóng hoàng lan là những truyện ngắn không có cốt truyện, mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Gió lạnh đầu mùa nói về chuyện cho áo và trả áo, cho vay tiền để mua áo ấm giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ. Dưới bóng hoàng lan có bốn nhân vật: hai bà cháu, cô thôn nữ Nga và cây hoàng lan. Mái nhà xưa và bóng bà che mát tâm hồn đứa cháu; hương thơm và bóng hoàng lan ướp hương và ủ ấp cho một mối tình êm đẹp dịu ngọt chăng tơ... Còn truyện Hai đứa trẻ nói về một phố huyện nghèo và tâm trạng thao thức của hai chị em Liên và An khắc khoải đợi chờ một chuyến tàu đêm đi qua. Hình ảnh đoàn tàu và tiếng còi tàu đã trở thành một thói quen của cảm xúc và ước vọng. Tuy không có cốt truyện, nhưng Hai đứa trề có một hương vị thật là man mác. Đó là chất thơ. Hai đứa trẻ có bao chi tiết nghệ thuật giàu sức gợi sâu xa, Thạch Lam và bâng khuâng. Cảnh phố huyện tối dần, ngoài đồng thì ếch nhái kêu ran; trong nhà thì tiếng muỗi vo ve. Liên ngổi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần, tâm hồn thơ ngây thấm thìa cái buồn của buổi chiều quê. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, tiếng cười khanh khách. Tiếng đàn bầu của bác Xẩm thì bần bật. Mẹ con chị Tí bán nước chè. Thằng cu khiên hai cái ghế trên lưng; mẹ nó đội cái chõng tre trên đầu... Thật là vất vả, cực nhọc và nghèo khổ. Những chi tiết ấy rất sống, rất hiện thực. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn. Nhưng truyện của Thạch Lam, đặc biệt là truyện Hai đứa trẻ thì nội dung hiện thực - nhân đạo hòa quyện đầy ám ảnh và lay động. Một nét đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam là tinh tế và sâu sắc trong phân tích thế giới nội tâm nhân vật, gợi tả xúc động những biến thái mơ hồ, mong manh trong lòng người. Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao chị thấy lòng buồn man mác. Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ không hiểu. Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần rồi khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Liên nhớ lại tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giấc ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya tịch mịch và đầy bóng tối. Truyện Hai đứa trẻ có một giọng điệu rất riêng, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Đó là tiếng nói của một con người, như Nguyễn Tuân nhận xét là "tính tình nhẹ nhàng tinh tế", "vừa sống vừa lắng nghe chung quanh" với bao chuyện buồn vui đang xảy ra. Cái dây xà tích bằng bạc của Liên, Thạch Lam đã phát hiện ra thứ vật dụng mà chị quý mến và hãnh diện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang. Gánh phở bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền mà hai chị em Liên không bao giờ mua được, vì thế hai chị em Liên chỉ biết ngửi thấy mùi phở thơm. Liên nhớ về Hà Nội là nhớ những kỉ niệm tuổi thơ, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền, hai chị em được đi chơi Bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Phải chăng đó là những kí ức tuổi thơ êm đềm của Thạch Lam? Thạch Lam sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyên tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khói bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng. Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít lên. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua, ánh sáng và bóng tôi, ồn ào náo động và tịch mịch; tương phản ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh. Một nét đặc sắc nữa về nghệ thuật của Thạch Lam là câu văn dưới ngòi bút của ông thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phô huyện lúc chiều tà: Phương Tây, đỏ rực như lửa cháy (...). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo giỏ nhẹ đưa vào... Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: Trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối... Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân nhận xét: "Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam dã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn". Sự đào thải và thanh lọc là vô cùng nghiêm khắc và nghiệt ngã đối với bất kì ai, sự vật nào, nhất là đối với văn chương nghệ thuật. Nhiều cây bút trong Tự lực văn đoàn đã bịdđộc giả ngày nay hờ hững! Riêng tác phẩm của Thạch Lam, hơn 60 năm sau vẫn được chúng ta yêu thích. Cái đẹp trong văn chương Thạch Lam, trước hết là cái đẹp của tình người, cái đẹp của một trái tim nhân hậu. Là cái đẹp của chất thơ đậm hương đời và vị đời, là một cái đẹp của ngòi bút giàu bản sắc, là tính thần nhân đạo sáng bừng trang văn... Con người và văn chương của Thạch Lam đáng để ta trân trọng và mến mộ.Các bài viết liên quan
Các bài viết được xem nhiều nhất
5 tác phẩm trọng tâm ôn thi THPT Quốc gia 2024 môn Ngữ Văn khả năng...
24764 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...
626 View
Đáp án CHÍNH THỨC đề thi tốt nghiệp THPT 2023 từ Bộ GD&ĐT (Tất cả...
584 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...
560 View