Phân tích chi tiết ĐÀN GHI TA CỦA LOR-RA - Thanh Thảo

ĐÀN GHI TA CỦA LOR-RA

Thanh Thảo

I. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả:

Thanh Thảo là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Thanh Thảo đã được dư luận chú ý từ những tập thơ và trường ca mạng diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến như Những người đi tới biển - 1977, Dấu chân qua trảng cỏ - 1978, Khối vuông ru-bích-1985... Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người trí thức luôn trăn trở, suy tư về các vấn đề xã hội và thời đại; luôn có cảm hứng đặc biệt với những nhân cách lớn lao, cao quí, những nghệ sĩ vĩ đại, những người anh hùng... Những trăn trở, suy tư ấy đã tìm đến sự thể hiện trong các bài thơ mang xu hướng cách tân thơ Việt về cả nội dung và hình thức biểu đạt.

2. Tác phẩm:

Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca rút trong tập Khối vuông ru - bích (1985). Đây là một sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, cảm xúc mãnh liệt, phóng túng và nhuốm màu sắc siêu thực, tượng trưng được học tập từ chính phong cách thể hiện đại của Lor-ca. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là Federico Garcia Lorca (1898 - 1936): là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật hiện đại Tây Ban Nha với khả năng thiên bẩm ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu...; Lorca không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn hoá vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi ấy mà còn là một công dân yêu tự do, dân chủ, người đã dùng nghệ thuật của mình cất lên tiếng hát ca ngợi tự do, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Ban Nha chống lại chế độ độc tài thân phát xít Franco, cuối cùng đã hi sinh trong cuộc chiến đấu đó.

II. TÌM HIỂU BÀI THƠ

1. Sáu câu thơ đầu - Hình ảnh Lorca, con người tự do và cô đơn, người nghệ sĩ cách tân dũng cảm, người công dân yêu tự do, dân chủ trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX.

1.1. Câu thơ đầu tiên là hình ảnh người nghệ sĩ Lorca với hai biểu tượng tiếng đàn bọt nước được đặt cạnh nhau theo quan hệ chính phụ trong đó danh từ bọt nước đã được tính từ hoá để làm rõ nghĩa cho tiếng đàn:

những tiếng đàn bọt nước.

Ngoài ý nghĩa cụ thể chỉ âm thanh tiếng đàn ghi ta huyền diệu của Lorca, danh từ tiếng đàn còn là hình ảnh hoán dụ cho sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của Lorca, cho chính cuộc đời của nhà nghệ sĩ. Trong thế giới nghệ thuật của Lorca, cảm thức về bọt nước, sóng nước luôn trở đi trở lại như một niềm ám ảnh:

sóng ơi sóng về đâu?

tôi cười và trôi đi

đến tận bờ biển cả

(Sóng ơi sóng về đâu - Lorca)

Mở đầu bài thơ viết về Lorca, Thanh Thảo lại nhắc đến tiếng đàn bọt nước khiến người đọc liên tưởng đến những âm thanh của tiếng đàn ghi ta vang lên từ trái tim người nghệ sĩ phiêu lãng, cô đơn; những âm thanh đem đến cảm giác trôi nổi, bất định, gợi hình ảnh những bọt sóng chơi vơi, tan biến giữa đại dương mênh mang. Tiếng đàn bọt nước vì thế đã gọi đồng thời cả những ám ảnh cô đơn và niềm khát khao hướng tới thế giới lãng du mênh mông, phóng khoáng, tự do... Bọt nước cũng là hình ảnh gợi sự mong manh, ngắn ngủi trong sinh mệnh, tồn tại đấy rồi lại tan, nhanh đến xót xa. Lorca bị kẻ thù giết hại khi ông 38 tuổi, cuộc đời đoản mệnh, tiếng đàn đứt ngang dây, một sự nghiệp vĩ đại dừng lại khi người nghệ sĩ còn quá trẻ, một sự chấm dứt hẫng hụt, đau thương. Và tiếng đàn bọt nước đã trở thành biểu tượng cho bi kịch của người nghệ sĩ bất hạnh trong nỗi xót xa, thương tiếc của những người yêu mến, kính trọng ông. 1.2. Bức tranh ấn tượng về người nghệ sĩ vĩ đại tiếp tục được vẽ bằng gam màu ấn tượng của tấm áo choàng đỏ gắt, tấm áo quen thuộc với những đấu trường Tây Ban Nha, tấm áo biểu trưng cho nét văn hoá đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha. Sắc thái dữ dội của tính từ đỏ gắt trong câu thơ:

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt,

đã khiển đất nước Tây Ban Nha những năm đầu thế kỉ XX hiện ra như một đấu Trường khốc liệt. Trong khung cảnh ấy, người nghệ sĩ vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha được miêu tả qua những tầng nghĩa tượng trưng sâu sắc của hình tượng thơ: Garcia Lorca tự nguyện mặc vào người chiếc áo choàng đỏ gắt cũng tự nguyện chấp nhận dấn thân vào cuộc quyết đấu giữa khát vọng dân chủ của người công dân yêu tự do Lorca với nền chính trị độc tài phản động Franco, cuộc đấu của người nghệ sĩ khao khát đổi mới và cách tân đối với nền thuật già nua của Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX. Chỉ với hai câu thơ đầu, Thanh Thảo đã gợi ra mối quan hệ giữa tiếng đàn bọt nước tấm áo choàng đỏ gắt - mối quan hệ nhân quả giữa sứ mệnh cao quí với với sinh mệnh mong manh, ngắn ngủi; mối quan hệ cho thấy định mệnh nghiệt ngã của người nghệ sĩ dũng cảm, tài hoa mà bất hạnh. Đó là định mệnh được báo trước qua một loạt những tương phản: âm thanh tiếng đàn chơi vơi và sắc màu chói gắt; nghệ thuật và bạo lực; tiếng đàn người nghệ sĩ và tấm áo choàng võ sĩ; thân phận nhỏ nhoi bọt bèo - thực tại khốc liệt những tương phản làm hiện hữu một thế giới đầy giao tranh, đối chọi. 1.3. Cuộc quyết đấu của Lorca được đặt trên nền âm thanh của tiếng đàn bọt nước... li-la li-la li-la. Trước hết, có thể cảm nhận đây là câu thơ mô phỏng âm thanh của tiếng đàn ghi ta; viết về một nghệ sĩ với cây đàn ghi ta huyền thoại, chuỗi âm thanh li-la li-la li-la tạo những dư ba, đồng vọng sâu sắc, gợi những niềm đồng cảm tri âm. Hình ảnh tiếng đàn bọt nước... li-la li-la li-la khiến thị phẩm của Thanh Thảo mang dáng dấp một bài ca, một bản nhạc ngợi ca người nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa. Nếu hai câu đầu là khúc dạo thì câu thơ thứ 3 như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo, tạo một khoảng lặng cho ca khúc bắt đầu. Điệp ngữ li-la trong các nhịp ngắt 2/2/2 của câu thơ đã đưa đến cảm nhận về những âm thanh da diết và kiên nhẫn, âm thanh của tình yêu và những khao khát, say mê Lorca dành cho nghệ thuật, cho cuộc đời. 1.4. Ba câu thơ sau vẫn là hình ảnh Lorca trong một cuộc hành trình giữa một không gian mênh mang và thời gian thăm thẳm:

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Cũng như cả bài thơ, đoạn thơ đã tái hiện một không gian mang lại những nét đặc trưng cho đất nước Tây Ban Nha, cho văn hoá Tây Ban Nha nơi nuôi dưỡng tâm hồn Lorca: hình ảnh áo choàng đỏ gợi những đấu trường bi tráng của Tây Ban Nha; vầng trăng, yên ngựa, cô gái Di gan gợi hình ảnh những con đường, những cánh đồng mênh mông của Tây Ban Nha; những tiếng li-la, li-la vừa như mô phỏng âm thanh tiếng đàn ghi ta của Lor-ca, nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha, vừa gợi liên tưởng tới hoa li-la, loài hoa tử đinh hương tím ngát của xứ sở Tây Ban Nha tươi đẹp…

Nổi bật trên nền phông văn hoá đặc sắc ấy là hình ảnh chàng nghệ sĩ Lorca, một ca sĩ dân gian hát nghêu ngao cùng tiếng đàn bọt nước chơi vơi, một kị sĩ tự do, cô đơn và phiêu lãng trên yên ngựa mỏi mòn... một nghệ sĩ lãng du có tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yếu đời, yêu người, không ngừng đi theo một tiếng gọi huyền bí nào đó hướng về miền đơn độc. Câu thơ đi lang thang về miền đơn độc miên man trong những thanh bằng khiến không gian của cuộc hành trình càng trở nên mênh mông, dàn trải, gợi cảm giác về những miền đất xa xôi, như chưa có dấu chân người, thậm chí chưa nhìn thấy đích đến! Từ láy đơn độc có lẽ không chỉ bổ nghĩa cho không gian mà còn gợi ra hình ảnh con người trong không gian hoang vắng ấy. Hình tượng thơ đã đem tới niềm cảm phục và nỗi xót xa cho sự dũng cảm và cô đơn của người khai phá. Hành trình vời vợi của người nghệ sĩ còn có vẻ đẹp hoang vắng của vầng trăng chếnh choáng - từ láy chếnh choáng gợi hình ảnh ánh trăng nhập nhoà, xô lệch, dập dềnh theo nhịp bước của ngựa; với nét nghĩa ẩn dụ về vầng trăng - cái Đẹp, câu thơ cũng đồng thời thể hiện trạng thái xuất thần, thăng hoa của cảm xúc, của sáng tạo nghệ thuật trong tâm hồn người nghệ sĩ tha thiết yếu cái Đẹp, yêu cuộc đời và yêu một vầng trăng; và dường như đó còn là trạng thái mộng du của con người đang bước theo sự chập chờn của linh cảm, bước theo sự vẫy gọi của một cái tôi chưa biết đang tồn tại đâu đó trong lòng mình - cái tôi tự do và kiên cường khao khát thay đổi thế giới, một cái tôi mê đắm trong những men say của xúc cảm và tình yêu. Bài ca về chàng nghệ sĩ lang thang, đơn độc trong cuộc tranh đấu bền bỉ cho những khát vọng lớn lao, cao đẹp còn được Thanh Thảo miêu tả qua một câu thơ phảng phất chất bi ca:

trên yên ngựa mỏi mòn

Từ láy mỏi mòn đã gợi tả dòng thời gian dằng dặc trong cảm nhận của người ngồi trên yên ngựa - yếu tố ngôn ngữ nhuốm màu sắc siêu thực đã giúp nhà thơ Việt diễn tả tinh tế con đường khai phá gian nan và đâu đó một thoáng mệt mỏi, bất lực, thậm chí mơ hồ nỗi buồn chán cô đơn trong cái khắc khoải mỏi mòn của người nghệ sĩ Tây Ban Nha. Những trạng thái tâm lí ấy không hề hạ thấp Lorca mà chỉ khiến ông gần gũi hơn trong sự cảm thông, kính phục. Ba câu thơ đều là hình ảnh của sự đơn độc: một chàng nghệ sĩ, một vầng trăng, một yên ngựa; ba câu thơ đều miêu tả sự vận động: con người lang thang, vầng trăng xô lệch, yên ngựa dập dềnh và kết lại ở cả ba câu đều là những từ láy chỉ những ấn tượng của trực cảm: đơn độc, chếnh choáng, mỏi mòn. Sự vận động đơn độc trong không gian mênh mông và thời gian dằng dặc theo những vẫy gọi của khao khát, đam mê - đó là những cảm nhận về một hành trình khó khăn, khắc nghiệt, là số phận và cũng là phẩm chất làm nên sự vĩ đại cho người nghệ sĩ Lorca. → Đoạn thơ vừa là những nét chấm phá chịu ảnh hưởng khá rõ của trường phái ấn tượng trong hội họa với những màu sắc, đường nét, mảng khối…, vừa gợi những giai điệu âm thanh của tiếng đàn ghi ta da diết, qua đó làm hiện lên dù chỉ là những nét gián đoạn trong hình dung của độc giả về hình ảnh người công dân yêu tự do Lorca chiến đấu cho khát vọng dân chủ và người nghệ sĩ Lorca vừa mê đắm trong những khát khao sáng tạo, vừa dũng cảm, đơn độc trong công cuộc cách tân đối với nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha.

2. Mười hai câu tiếp theo - Hình ảnh Lorca trong cái chết bi tráng.

2.1. Bốn câu đầu tạo ra hai cảnh tương phản, miêu tả cái chết đến quá bất ngờ với Lorca, thể hiện nỗi đau xót kinh hoàng của những người dân Tây Ban Nha và nhân loại yêu hoà bình, dân chủ:

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

- Khi Thanh Thảo viết Tây Ban Nha hát nghêu ngao thay vì Lor-ca hát nghêu ngao, nghệ thuật hoán dụ đã nới rộng thêm rất nhiều tầng ý nghĩa cho tiếng hát, tiếng đàn, tiếng thơ và cũng là tiếng lòng của người nghệ sĩ vĩ đại đất nước Tây Ban Nha. Bên cạnh những đấu trường bò tót, đất nước Tây Ban Nha còn được biết đến với nghệ thuật Flamenco - hình thức nghệ thuật dân gian Tây Ban Nha ra đời từ thế kỉ XVI, là sự kết hợp giữa ca hát và nhảy múa, kết hợp giữa âm thanh da diết của tiếng đàn ghi ta với những vũ điệu dân gian Flamenco cùng những khúc dân ca của xứ sở Andalusia. Dập dềnh phiêu du trên yên ngựa, Lorca đã góp sắc bạc của vầng trăng, màu vàng của nắng, hương thơm của những bông hoa tử đinh hương, sự uyển chuyển mê đắm dữ dội của những vũ điệu flamenco, cái da diết ngọt ngào của những khúc nhạc dân gian Andalusia, cái mênh mông của đồng cỏ và dòng sông, cái vời vợi của bầu trời, cái hoang dã, tình tứ trong ánh mắt những cô gái di-gan gửi vào âm thanh của cây đàn ghi ta huyền thoại, nhạc cụ truyền thống tiêu biểu nhất của đất nước Tây Ban Nha. Tiếng hát ấy vì thế tràn đầy tình yêu với mảnh đất và con người Tay Ban Nha, là tiếng hát về cuộc đời và khát vọng của những người dân Tây Ban Nha, tiếng hát của sông núi cỏ cây thấm đẫm linh hồn dân tộc Tây Ban Nha, tiếng hát ấy mãi âm vang trên bầu trời Tây Ban Nha, mãi vương vấn trong những dòng sông, những nẻo đường Tây Ban Nha, mãi ngân nga trong trái tim người dân Tây Ban Nha... - do vậy, tiếng hát của Lorca cũng chính là tiếng hát của đất nước Tây Ban Nha, nghệ thuật của Lorca cũng chính là nghệ thuật tiêu biểu cho xứ sở Tây Ban Nha. Sắc thái nghệ thuật của Lorca đã được Thanh Thảo miêu tả qua từ láy nghêu ngao, một từ láy vừa gợi hình vừa gợi cảm, đã xóa đi sắc thái trang trọng của âm nhạc thính phòng, làm đậm thêm chất dân gian và những yếu tố ngẫu hứng đầy phóng túng cho âm nhạc Lorca; câu thơ cũng gợi hình ảnh chàng ca sĩ hát rong dập dềnh trên lưng ngựa với tiếng đàn vang ngân tha thiết, hồn nhiên, thơ trẻ, chàng hát cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân, cho chính cõi lòng mình, chàng hiện ra với bóng hình cô đơn in đậm trên những nẻo đường của Tổ quốc thân yêu.

- Nếu hai câu thơ trên đem đến cảm giác phiêu du, thanh thản bao nhiêu thì hai câu dưới lại gợi sự tàn nhẫn, phũ phàng bấy nhiêu - chàng ca sĩ hát rong yêu cuộc đời, bầu trời và những dòng sông, chàng ca sĩ có tâm hồn cao quí và thánh thiện, phút chốc đối diện với một kết cục quá bi thảm khi đang cất tiếng hát nghêu ngao, hồn nhiên, đắm say, thơ trẻ, bỗng kinh hoàng - áo choàng bê bết đỏ. Giây phút bi phẫn, đau đớn nhất trong cuộc đời Lorca là khi ông bị bọn phản động sát hại rồi ném xác xuống giếng phi tang. Con người trong sạch và vô tội ấy khi bước vào trận quyết đấu khốc liệt, dù đã có sự tiên cảm về cái chết, dù đã ý thức về sứ mệnh cao quí, kiêu hãnh gắn liền với định mệnh bất hạnh, bi thảm của mình, nhưng có lẽ vẫn không thể nghĩ cái chết lại đến với mình nhanh chóng, bất ngờ đến thế. Câu thơ thứ 3 bng kinh hoàng như một nhịp đảo phách đột ngột trong bản đàn ghi ta miên man, đem đến nỗi kinh hoàng cho cả tiếng đàn và lòng người để rồi sau đó, cái chết hiện ra trong một hình ảnh đau đớn, phũ phàng gợi tả cảnh Lorca bị hành hình, một cảnh tượng đau thương đẫm máu khi người công dân tha thiết yêu tự do đã bị kẻ thù sát hại dã man:

áo choàng bê bết đỏ

Đây là một câu thơ có trùng điệp hai tầng ý nghĩa bởi sự hiện hữu của đồng thời hai màu đỏ: màu đỏ đau đớn của máu phủ lên màu đỏ bất khuất của tấm áo choàng người võ sĩ cô đơn, dũng cảm. Từ láy bê bết điệp dày thêm sắc của máu đem đến ấn tượng dữ dội về nỗi đau thương cũng như sự căm giận trước tội ác của bè lũ Franco. 2.2. Sau chi tiết đặc tả về chiếc áo choàng đỏ máu, cảnh hành hình Lorca tiếp tục được miêu tả qua hai dòng thơ trong đó có sự kết hợp giữa cái cụ thể của sự thật tàn nhẫn với cảm giác bồng bềnh, phiêu lãng:

Lorca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

Nếu câu trên mạng kết cấu bị động miêu tả cảnh bọn phát xít đưa Lorca ra pháp trường thì câu dưới là kết cấu chủ động cho thấy: đến với cái chết đột ngột và kinh hoàng, Lorca vẫn như người đang sống trong một cõi khác, chàng đang mải mê theo đuổi những ý nghĩ xa vời, mơ mộng mà như không hề nhận ra máu lửa ở xung quanh. Câu thơ đưa đến cảm giác: trước cái chết, Lorca vẫn man phong thái lãng mạn của người nghệ sĩ không bận tâm đến sự tồn tại của bạo lực và cái ác, vẫn như đang mộng du với bầu trời, đồng cỏ, dòng sông, với những nẻo đường bát ngát ánh trăng... Trạng thái phiêu du, mơ màng, chơi vơi đã được Thanh Thảo thể hiện tinh tế qua câu thơ có những thanh bằng miên man, mênh mang... tạo ra cảm giác như Lorca vẫn trong một hành trình đi từ những không gian thân yêu của đất nước, trôi dần về cõi hư vô, cõi vĩnh hằng bất tử. Trạng thái mộng du còn gợi chút ngơ ngác thánh thiện của một trái tim hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng, thể hiện nỗi ngạc nhiên của một con người vốn chỉ biết hát nghêu ngao với niềm yêu cuộc đời khi bị điệu về bãi bắn một cách phũ phàng đã không thể lí giải nổi hiện thực tàn nhẫn và phi lí ấy. 2.3. Sự kiện đau đớn, thảm khốc ấy tiếp tục được diễn tả theo biện pháp tượng trưng, qua nghệ thuật chuyển đổi cảm giác trong 6 câu thơ tiếp theo:

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

-  Đây là đoạn thơ thể hiện đặc sắc bút pháp gợi tả với những hình ảnh ước lệ rất cô đúc của thơ tượng trưng, khơi gợi sự liên tưởng đồng sáng tạo người đọc. Cụm từ tiếng ghi ta liên tiếp điệp lại trong đoạn thơ đã tạo sự tiết tấu dồn dập, tựa như cao trào của một bản nhạc, như những va đập mạnh của âm thanh vừa say đắm vừa bi thiết, cho thấy sự ám ảnh day dứt trước hành trình cách tân nghệ thuật dang dở của Lorca, tạo cảm giác như sau cái chết bi tráng của Lorca, tiếng đàn ghi ta đau đớn vỡ ra thành máu và nước mắt, thành màu sắc, hình khối, đường nét... Cả đoạn thơ không chỉ là âm thanh mà còn là hình ảnh tiếng đàn tràn đầy sắc màu, vừa ấm nồng sức sống, vừa quyến rũ, mê hoặc, vừa bi thảm, đau đớn...

- Với chủ thể là tiếng ghi ta, âm thanh gắn liền với tình yêu, nỗi đau và những khát vọng đẹp đẽ của Lorca, âm thanh mang sinh mệnh và định mệnh của Lorca, những hình ảnh nổi tiếp trong đoạn thơ đã đưa đến cho người đọc những cảm nhận mạnh mẽ, ấn tượng và thật xúc động về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của Lorca. + Hai câu thơ nối tiếp 3 hình ảnh: tiếng ghi ta nâu - bầu trời - cô gái ấy. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đưa đến màu nâu xao xuyến cho âm thanh, còn trường liên tưởng lại mở ra cho câu thơ những tầng nghĩa phong phú: đó có thể là màu nâu của đất, của những con đường ngập nắng trong xứ sở Grenada, quê hương của Lorca, miền Nam Expana, xứ sở mặt trời, những con đường như còn vang vọng âm thanh tiếng đàn ghi ta tài hoa của chàng ca sĩ; cũng có thể là màu nâu đặc trưng thân thuộc của cây đàn ghi ta, cây đàn truyền thống của đất nước Tây Ban Nha, cây đàn đã gắn bó với Lorca trong suốt cuộc đời, và cũng đã xuất hiện trong tâm nguyện tha thiết của ông: Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn!; Và trong sự kết nối với hình ảnh cô gái ấy ở câu thơ sau, tiếng ghi ta nâu có thể còn gợi liên tưởng đến làn da rám nắng, đến ánh mắt, hay màu tóc của những cô gái Digan, hay Anna Maria, người bạn thân thiết của Lorca. Âm thanh vời vợi của tiếng đàn còn gợi ra hình ảnh bầu trời mênh mông, phóng khoáng, hình ảnh tràn đầy sự sống cùng những khát vọng tự do mà có lẽ Lorca đã say đắm ngắm nhìn lần cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời, trước khi buông mình vào lòng đất thẳm sâu, tăm tối. Với tính chất hàm súc cao độ của những biểu tượng mang tính chất tượng trưng, với việc sử dụng phép chuyển nghĩa tinh tế khi miêu tả tiếng ghi ta nâu - bầu trời cô gái ấy, Thanh Thảo đã cho thấy tình yêu của người nghệ sĩ Lorca được gửi gắm qua âm thanh của tiếng đàn ghi ta, tình yêu với nghệ thuật, với tự do, với con người và quê hương đất nước... + Sau đó là câu thơ bộc lộ đồng thời cả sự ngợi ca và niềm thương xót với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Lorca:

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

Lá xanh là ẩn dụ cho màu xanh của sự sống, của mùa xuân và tuổi trẻ. Cấu trúc câu cảm thán đã bộc lộ niềm ngưỡng mộ sâu sắc với tiếng đàn mang vẻ đẹp cây đời mãi mãi xanh tươi (Goethe), đó là tiếng đàn trẻ trung tràn đầy sức sống của người nghệ sĩ tài hoa, dũng cảm. Tuy nhiên, hình ảnh lá xanh rời rợi sự sống của tiếng đàn còn đưa đến một tương phản xót xa: nghệ thuật giúp cái đẹp bất tử, tiếng đàn của Lorca mãi vĩnh hằng, vậy mà người nghệ sĩ vĩ đại tạo ra sự bất tử, vĩnh hằng lại đoản mệnh ở tuổi 38; tiếng đàn ấy say mê ca ngợi cuộc sống, vậy mà người nghệ sĩ ca ngợi sự  yêu cuộc sống lại phải lìa bỏ cuộc đời khi đang tràn đầy nhựa sống như một cánh lá non xanh. + Hai cảm hứng ngưỡng mộ và xót thương tiếp tục được làm đậm hơn trong câu thơ hàm chứa đồng thời hai hình ảnh:

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

Tính từ tròn trong vế đầu câu thơ đã gợi hình ảnh của những giọt âm thanh ghi ta trong trẻo, thanh cao, tươi sáng thánh thót tuôn rơi trong không gian... Câu thơ đã bộc lộ niềm ngưỡng mộ với những giọt âm thanh huyền diệu của cây đàn ghi ta, cũng đồng thời thể hiện niềm yêu mến với tâm hồn trong sáng vô ngần của người nghệ sĩ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ở vế sau của câu thơ, tính từ tròn còn là hình ảnh của bọt nước. Ý nghĩa về sự nhỏ nhoi, mong manh trong sinh mệnh, sự ngắn ngủi của kiếp người được gợi ra từ hình ảnh bọt nước; sắc thái đột ngột, phũ phàng đột ngột của tính từ vỡ tan khiến hình ảnh bọt nước vỡ tan trực tiếp đưa đến liên tưởng nhức nhối và nỗi xót thương đau đớn về cái chết bất ngờ, nhanh chóng đến khắc nghiệt của Lorca; sau cái chết đột ngột của Lorca, bọt nước ấy, có lẽ đã ngược dòng nước tôi tìm - về suối nguồn an nghỉ (Sóng ơi sóng về đâu - Lorca). + Nhưng đau đớn nhất chính là hình ảnh tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cùng nghệ thuật nhân hoá đem đến cho tiếng đàn một sinh mệnh, tiếng đàn trở nên hữu hình với cả hình và sắc, tiếng đàn trở nên ám ảnh như có cả số phận, thân thể và linh hồn, đây cũng chính là tính chất siêu thực của hình tượng thơ. Nếu trong câu thơ tiếng ghi ta tròn, tiếng đàn được cảm nhận như những giọt âm thanh trong trẻo gợi cái Đẹp kì diệu của nghệ thuật thì tới câu thơ này, tiếng đàn lại tuôn rơi thành những giọt máu, từ giọt âm thanh kì diệu thành giọt máu đau đớn, nhà thơ Việt Nam đã đưa đến người đọc nỗi bi phẫn, niềm căm giận bởi sự bất công ngang trái khi cái Đẹp bị huỷ diệt bởi những sức mạnh bạo tàn. Từ láy ròng ròng và động từ chảy trong hai câu thơ khiến nỗi đau hiện hữu nhức nhối như trong một sinh thể sống, nỗi đau không thể nguôi ngoai. Lorca đã đi xa nhưng vết thương của đất nước Tây Ban Nha sau cái chết của người con thân yêu thì vẫn chưa lành, vết thương mãi ròng ròng  máu chảy trên từng ngọn núi, dòng sông của Tổ quốc, mãi nhức nhối trong lòng từng người dân đất nước Tây Ban Nha. Câu kết đoạn chỉ có hai tiếng chảy như một cách hiện hữu đầy ấn tượng những giọt máu không ngừng rơi, không ngừng đau đớn.

3. Mười ba câu cuối - Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ Việt về cuộc đời, sự nghiệp và cách ra đi của Lorca.

3.1. Hai câu đầu là hình ảnh tiếng đàn, sự nghiệp nghệ thuật và khát vọng đổi mới của Lorca sau khi ông ra đi:

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

3.1.1. Trong bài thơ Ghi nhớ, Lorca bộc lộ những tâm nguyện chân thành, tha thiết:

khi nào tôi chết

hãy vùi thây tôi cùng cây đàn

dưới lớp cát

Đoạn thơ trước hết thể hiện tình yêu say đắm của Lorca với cây đàn ghi ta, với nghệ thuật cao khiết. Tuy nhiên, những câu thơ khi nào tôi chết - hãy vùi thây tôi cùng cây đàn - dưới lớp cát còn là thông điệp cao đẹp của Lorca gửi tới cuộc đời. Có lẽ Lorca đoán biết một ngày nào đó, sự nghiệp vĩ đại của ông sẽ án ngữ, ngăn cản những sáng tạo nghệ thuật của thế hệ sau nên đã khẩn thiết căn dặn hậu thế phải biết chôn cất tiếng đàn của ông, biết vượt qua cái bóng lớn lao của ông để đi tới. Ở Việt Nam, Trần Dần cũng đã từng thể hiện tư tưởng cách tân của mình bằng lời kêu gọi: Hãy chôn Thơ Mới! 3.1.2. Ý thơ của Lorca đã được Thanh Thảo lấy làm lời đề từ cho bài thơ: Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn! khiến tư tưởng vĩ đại của Lorca trở thành một trong những chủ đề của bài thơ, là tình yêu cháy bỏng với cây đàn ghi ta, với nghệ thuật, cũng đồng thời là thông điệp của người nghệ sĩ cao cả đã hi sinh cuộc đời vì nghệ thuật, lại sẵn sàng hi sinh cả sự nghiệp nghệ thuật của cá nhân mình cho công cuộc đổi mới nghệ thuật Tây Ban Nha - đó là khát vọng vĩ đại của một nhân cách vĩ đại. 3.1.3. Hai câu thơ không ai chôn tiếng đàn - tiếng đàn như cỏ mọc hoang đã  gợi ra nhiều tầng ý nghĩa. - Trước hết, từ sự đối lập giữa tâm nguyện của Lorca Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn! Với ý thơ Thanh Thảo: không ai chôn tiếng đàn, có thể hiểu là nỗi chua xót cho hành trình cách tân nghệ thuật dang dở cùng tâm nguyện đổi mới của Lorca với nghệ thuật Tây Ban Nha. Không ai hiểu di chúc của Lorca, sự ngưỡng mộ của hậu thế với thần tượng Lorca khiến sự nghiệp cách tân của ông khó lòng tiếp tục. Khát vọng đổi mới nền nghệ thuật Tây Ban Nha đã chạm phải rào cản của chính sự nghiệp nghệ thuật Lorca. Khi vì tình yêu và sự kính trong hậu thế không nỡ chôn cất tiếng đàn của Lorca, không dám bước qua những thành tựu nghệ thuật vĩ đại của ông, họ không hiểu rằng, bằng cách ấy, những thế hệ sau đã dừng lại chiêm ngưỡng quá khứ và chôn vùi khát vọng đổi mới của Lorca. Và hậu quả là tiếng đàn như cỏ mọc hoang trên những cánh đồng nghệ thuật Tây Ban Nha không còn bàn tay người dẫn dắt, thiếu người tiếp bước trong công cuộc cách tân, đổi mới của nghệ thuật Tây Ban Nha. - Tuy nhiên hai câu thơ này cũng có thể hiểu theo một nét nghĩa khác, đó là niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn, tiếng thơ, cũng là tiếng lòng Lorca. Không ai chôn cất tiếng đàn, và cũng không thể chôn tiếng đàn Lorca bởi tiếng đàn ấy chính là sự sống, là linh hồn đất nước Tây Ban Nha, mà sự sống và linh hồn đất nước thì trường tồn bất tử. Không ai chôn cất tiếng đàn vì đó là cái đẹp hoang dại, nguyên sơ, vừa kì diệu vừa thuần khiết, là vẻ đẹp của dòng sông, đồng cỏ, vầng trăng..., cái đẹp ấy không thể bị huỷ diệt, nó sẽ mãi sống, truyền lan như cỏ, bình dị, bền bỉ mà mãnh liệt, kiên cường. - Hai ý nghĩa trên không hề loại trừ nhau trong lời thơ Thanh Thảo. Dòng chảy của cuộc sống luôn là những phủ định, con người luôn phải vượt qua cái cũ để tiến lên. Chiến đấu với nền nghệ thuật già cỗi Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX, Lorca cũng phải phủ định nó, vượt qua nó để đem sức sống mới trẻ trung cho nghệ thuật Tây Ban Nha. Trong vai trò một nhà cách tân, Lorca cũng mong hậu thế sẽ chôn cất tiếng đàn của ông, vượt qua ông để không ngừng đổi mới nghệ thuật Tây Ban Nha. Nhưng phủ định một quá khứ rực rỡ để tiến tới xây dựng một tương lai rực rỡ hơn không hề đồng nghĩa với việc lãng quên hay xóa bỏ quá khứ bởi cả hiện tại và tương lai đều không thể tựa lưng vào những khoảng trống. Những giá trị đích thực sẽ mãi trường tồn với thời gian và mãi giữ một vị trí không thể thay thế trong dòng chảy vĩnh hằng của cuộc sống. Phủ định mà không lãng quên, vượt qua mà không xoá bỏ, đổi mới hướng tới tương lai mà vẫn trân trọng, giữ gìn quá khứ, đó là sự cách tân mang tính nhân văn sâu sắc, và đó cũng là những nét nghĩa đồng thời tồn tại trong ý thơ Thanh Thảo. 3.2. Nỗi buồn sau cái chết của Lorca, sự xót xa trước một khát vọng cách tân dang dở đã được Thanh Thảo thể hiện qua những hình ảnh mang khuynh hướng tượng trưng trong đó các liên kết logic đã bị xóa mờ:

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

Vầng trăng chếnh choáng theo bước chân chàng kị sĩ cô đơn, phiêu lãng đi những nẻo đường đất nước Tây Ban Nha, nay lại xuất hiện trong sự dồn tụ đau thương của trời đất. Khôi phục những liên tưởng gián đoạn trong hai câu thơ, người đọc có thể hình dung ra một ẩn dụ đau đớn: vầng trăng không chỉ vời vợi trên bầu trời mà còn trong long lanh dưới đáy giếng thẳm sâu tựa như giọt nước mắt lớn của vũ trụ - một hình ảnh thể hiện kích cỡ, tầm vóc của nỗi đau, cũng cho thấy vẻ đẹp bi tráng của Lorca. Hình ảnh đáy giếng không chỉ là biểu tượng cho mặt đất Tây Ban Nha mà còn gợi những liên tưởng đau buồn về nơi kẻ thù vùi xác Lorca. Ý thơ đưa đến cảm nhận về một nỗi đau hiện hữu sống động mà sâu kín, mãnh liệt mà nén chặt; tập hợp ngôn ngữ với những gián cách độc đáo khiến cho giọt nước mắt của bầu trời hoà lẫn với giọt nước mắt của mặt đất, cả trời đất Tây Ban Nha như nhoà đi trong nước mắt đau thương. Hình ảnh giọt nước mắt - long lanh cho thấy hàng thế kỉ đã trôi qua mà nỗi đau vẫn còn đó, đất nước và con người Tây Ban Nha vẫn khóc thương người con yêu quí, người nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại đã ra đi trong cái chết oan trái. 3.3. Hai khổ thơ cuối bài cũng là những ẩn dụ sâu xa thể hiện suy ngẫm của nhà thơ Việt về cách ra đi, cách từ biệt cuộc đời của Lorca:

đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

Trên chiếc ghi ta màu bạc

Chàng ném lá bùa cô gái Digan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

- Xuyên suốt hai khổ thơ là những tương phản: đường chỉ tay nhỏ bé, ngắn ngủi đối lập với dòng sông rộng vô cùng, lá bùa may mắn quá mỏng manh trước cuồn cuộn xoáy nước bất hạnh; trái tim chan chứa yêu thương và khát vọng chìm rơi vào cõi hư vô tịch mịch, tối tăm. Tất cả những tương phản ấy đều gợi đến những suy ngẫm chua xót về sự ngắn ngủi của đời người trong dòng thời gian dằng dặc, sự nhỏ bé của kiếp người trong cuộc đời mênh mông; và trên hết là nỗi cay đắng vì định mệnh quá phũ phàng, khắc nghiệt với một con người cao quí của đất nước Tây Ban Nha. - Trước cái chết đột ngột và bi thảm khi đường chỉ tay đã đứt, Lorca đã bơi sang ngang - trên dòng sông rộng vô cùng, đã ném lá bùa vào xoáy nước; đã ném trái tim mình vào lng yên... có tới ba hành động mà ở đó, Lorca luôn là chủ thể, luôn giữ vai trò chủ động - cái chủ động của một con người dũng cảm đã có sự lựa chọn cuối cùng. Sự dũng cảm cao quí của Lorca đã hiện ra qua các tầng nghĩa ẩn dụ của những thi ảnh đặc sắc ở hai khổ thơ. * Thi ảnh đầu tiên làm hiện ra dòng sông sinh tử và tư thế, tâm thế của Lorca khi đối diện với cái chết:

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghi ta màu bạc

Hình ảnh Lorca bơi sang ngang trên dòng sông rộng vô cùng giữa hai bờ sinh tử cho thấy chàng nghệ sĩ lãng du đã tìm cho mình cách giã từ cuộc đời nhanh nhất, nhẹ nhõm nhất, không còn vướng bận vào những ràng buộc chốn trần gian, không xuôi theo dòng như buông trôi, chán chường, phó mặc, cũng không ngược dòng để vùng vẫy chống chọi hay trì hoãn... Khi sống, Lorca đã cùng cây đàn ghi ta đi lang thang về miền đơn độc, cất lên tiếng hát đắm say với con người và đất nước Tây Ban Nha. Trong chuyến lãng du cuối cùng vào cõi vĩnh hằng, Lorca lại thanh thản cùng chiếc ghi ta thấm đẫm sắc bạc của vầng trăng chếnh choáng, chiếc ghi ta màu bạc cũng có thể coi là biến ảnh huyền hoặc của chiếc ghi-ta nâu khi đã sang tới cõi siêu sinh... Nhẹ nhàng đi vào cái chết, Lorca vẫn mang theo tình yêu say đắm với cuộc sống, với nghệ thuật, với cây đàn truyền thống của đất nước Tây Ban Nha đúng như tâm nguyện của ông khi nào tôi chết - hãy vùi thây tôi cùng cây đàn - dưới lớp cát, tiếp tục ngân vang những âm thanh tha thiết đam mê. Thi sĩ bơi trên chiếc ghi ta có ánh bạc biêng biếc, hư ảo, cũng là bơi trên con thuyền của âm nhạc và thi ca để vượt qua bến bờ sinh tử; Lorca như đang vẫy chào nhân loại để đi vào cõi bất tử, vĩnh hằng. Câu thơ cũng đem đến một cảm nhận ngậm ngùi cho thị giác: Lorca đang đi xa dần cùng cây đàn ghi ta thân yêu của ông. Tuy nhiên, trong tâm trí những người dân Tây Ban Nha và những người yêu mến, kính trọng ông trong đó có Thanh Thảo, hình ảnh Lorca không bao giờ tách rời khỏi cây đàn huyền thoại, và trong sắc bạc lấp lánh của vầng trăng, hình ảnh ấy cứ xa dần, xa dần khiến ta chới với trong một khát khao níu giữ bất lực! * Qua hình ảnh ném lá bùa vào xoáy nước, có lẽ Thanh Thảo muốn hé lộ một cái tôi chưa biết trong mỗi con người: bước vào trận quyết đấu sinh tử, tiên cảm về cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí đã để di chúc lại cho đời, nhưng khi mang bên mình lá bùa cô gái Digan, hình như những hi vọng về sự may mắn, về một sức mạnh huyền bí vẫn cứ mong manh, mơ hồ tồn tại đâu đó trong cõi vô thức thâm u của con người mà ngay Lorca cũng không hề ngoại lệ. Xoáy nước là biểu tượng của bất hạnh, tai họa trên dòng sông số phận, cũng là cái dòng sông ranh giới giữa cõi sống và cõi chết, giữa thực tại và hư vô...Với tính chất quả quyết, dứt khoát của động từ ném, hành động ném lá bùa vào xoáy nước mang hàm ý tượng trưng cho sự giã từ nhanh chóng, kiên quyết của Lorca... Trước cái chết, Lorca đã tự giải thoát mình khỏi những hi vọng mong manh thường có trong cõi nhân gian, bắt đầu một cuộc dấn thân mới, kiêu hãnh và quyết liệt, không cần tới bất kì một thứ bùa hộ mệnh nào, đó là tư thế của một con người dám thách thức với cả không gian và thời gian. * Và cuối cùng, khi ném trái tim mình vào lặng yên, có thể nhận thấy Lorca mang theo vào cõi hư vô tất cả những tình yêu, những khao khát đắm say với cuộc đời và con người, với đất nước của cây đàn ghi ta. Ông như vẫn cùng cây đàn ghi ta thân yêu cất lên những giai điệu bất diệt ở cõi xa xôi, những giai điệu hòa nhập vương vấn với mỗi dòng sông, cây lá, trăng sao... Nhưng với sắc thái biểu cảm mạnh mẽ của hành động ném trái tim mình vào lặng yên, dường như Thanh Thảo còn muốn nói tiếp về cách giải thoát thanh thản, nhẹ nhàng của Lorca. Câu thơ nói về cõi lặng yên, phải chăng, đó là cái lặng yên của sự giác ngộ trong khoảnh khắc con người bừng tỉnh thoát khỏi mọi mê lầm, phiền luỵ trong cõi thế, khoảnh khắc mà mọi lời nói đã trở nên không cần thiết trước cái lặng yên sâu thẳm, anh minh của triết học. Và có lẽ chính sự bừng tỉnh ấy đã khiến chàng nghệ sĩ cô đơn như muốn dứt bỏ nhanh chóng những vương vấn, ràng buộc chốn trần gian để bước vào chuyến lãng du miên viễn cuối cùng. Với thế chủ động trước cái chết, Lorca đã thực sự chiến thắng không chỉ kẻ thù tàn bạo mà cả cái chết, cả định mệnh và hư vô. - Câu thơ kết bài lại là âm thanh của tiếng đàn li-la li-la li-la... Nếu chuỗi am thanh li-la li-la li-la luyến láy sau hai câu thơ đầu có giá trị như tiếng vang của chùm hợp âm sau tấu khúc mở đầu thì chuỗi âm li-la li-la li-la ở phần kết bài lại gợi liên tưởng đến tiếng vang của chùm hợp âm vĩ thanh có tác dụng tạo sức vang ngân da diết cho bài thơ, tạo những dư ba xao xuyến cho lòng người. Tiếng Đàn ghi ta của Lorca đầy sức ám ảnh sẽ bất tử trong lòng nhân loại yêu cái đẹp, yêu tự do, dân chủ. Với nét nghĩa thứ hai của li la, câu kết lại gợi hình ảnh những đoá hoa tử đinh hương tím ngát - đó là những đóa hoa cuộc đời thầm kính dâng viếng hương hồn Lorca, cũng là những đoá hoa của sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của người thi sĩ, thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này

III. KẾT LUẬN

Bài thơ đã thể hiện những thành công của Thanh Thảo trong việc thể nghiệm một phong cách thơ hiện đại gần gũi với thơ tượng trưng và siêu thực. Cả bài thơ là nối tiếp những câu thơ không viết hoa chữ đầu câu, có thể coi đó là biểu hiện của những dòng ghi chép ngẫu hứng, những cảm nhận mơ hồ, những liên tưởng đột ngột, những phút loé sáng của trực giác, những ấn tượng bất chợt theo phong cách thơ siêu thực, tượng trưng. Bài thơ có sự kết hợp độc đáo giữa tính liên tục của cốt tự sự với tính gián đoạn của suy cảm trữ tình, giữa thơ, nhạc và họa, giữa những thi ảnh của Lorca với những thi ảnh của chính nhà thơ Thanh Thảo, giữa chất giao hưởng phương Tây với màu sắc thơ viếng phương Đông... Viết về một nghệ sĩ, một nhạc sĩ, một họa sĩ... Thanh Thảo đã có ý thức đem đến chất họa đầy ấn tượng và chất nhạc thật dồi dào cho tác phẩm. Nếu chất họa được tạo bởi nghệ thuật phối màu, tạo mảng khối, nghệ thuật sắp đặt trong lớp ngữ nghĩa ngôn từ thì cách mô phỏng âm thanh tiếng đàn ghi ta, các thủ pháp láy từ, điệp từ, sự kết hợp ngẫu hứng từ ngữ lại khiến bài thơ mang đậm tính chất âm nhạc... Có thể cảm nhận cả bài thơ là một bản nhạc khi miên man trong những câu thơ mang thanh bằng, khi dồn dập trong sự trùng điệp của ngôn từ, trong những nhịp ngắt ngắn; bài thơ cũng mang kết cấu của một bản giao hưởng mà sự đau xót tiếc thương được gửi vào bè trầm có phần nhạc đệm của ghi ta với chùm hợp âm li-la li-la li-la mở đầu và kết thúc. Từ đó, Thanh Thảo đã xây dựng hình tượng Lorca với vẻ đẹp bi tráng, thể hiện sự đồng cảm và tri âm, sự ngưỡng mộ và yêu mến, niềm kính trọng và tiếc thương sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa, nhà cách tân kiên cường, người công dân khao khát yêu tự do, người con ưu tú của đất nước Tây Ban Nha./.

TRỌNG TÂM CHINH PHỤC ĐIỂM 10 THPT QUỐC GIA 2022

MÔN: NGỮ VĂN

CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 1945 - 2000

BÀI 1: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh BÀI 2: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) BÀI 3: Tây Tiến (Quang Dũng) BÀI 4: Tố Hữu BÀI 5: Việt Bắc (Tố Hữu) BÀI 6: Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) BÀI 7: Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) BÀI 8: Sóng (Xuân Quỳnh) BÀI 9: Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo) BÀI 10: Nguyễn Tuân BÀI 11: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) BÀI 12: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) BÀI 13: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) BÀI 14: Vợ nhặt (Kim Lân) BÀI 15: Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) BÀI 16: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) BÀI 17: Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) BÀI 18: Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) BÀI 19: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

Các bài viết liên quan

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Tiếng anh và gợi ý giải...

415 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...

603 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...

539 View

Các bài viết được xem nhiều nhất

Theo dõi Captoc trên

Khoa học xã hội

Facebook Group

270.000 members

Khoa học tự nhiên

Facebook Group

96.000 members