BÀI 8: ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ Ở NƯỚC TA

ĐỊA LÝ DÂN CƯ

BÀI 8: ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ Ở NƯỚC TA

I. KIẾN THỨC NHẬN BIẾT, THÔNG HIỂU

  1. Đông dân, nhiều thành phần dân tộc

a. Đông dân

            - Đặc điểm: + Số dân: 97.828.510 người (01/02/2021). + Vị trí xếp hạng: Về số dân đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới - Đánh giá: + Tích cực: * Dân số đông tạo ra nguồn lao động dồi dào. * Thị trường tiêu thụ rộng lớn. * Dân số đông nên tiền lương thấp => thu hút được sự đầu tư của nước ngoài. * Tạo ra lực lượng hùng hậu để bảo vệ an ninh. + Tiêu cực: Dân số đông gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

b. Nhiều thành phần dân tộc

            - Đặc điểm: + Số lượng: Nước ta có 54 dân tộc sinh sống khắp các vùng lãnh thổ của đất nước + Dân tộc đông nhất: Dân tộc Kinh chiếm 86,2% dân số còn lại là các dân tộc khác. + Số lượng Việt kiều ở nước ngoài: Nước ta còn có 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại nước ngoài (tính đến tháng 01/2020). - Đánh giá: + Thuận lợi: * Tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa (54 dân tộc với phong tục, tập quán khác nhau). * Các dân tộc có truyền thống đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ đất nước. + Khó khăn: * Sự đa dạng về thành phần dân tộc khiến chúng ta dễ bị tác động của thế lực thù địch gây mất ổn định => phải có chính sách đoàn kết dân tộc đúng đắn. * Sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng còn có sự chênh lệch. Phần lớn các dân tộc ít người đều sống ở vùng trung du miền núi vì thế trình độ và mức sống của các dân tộc ít người còn thấp => phải chú trọng đầu tư hơn nữa đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở các vùng này. Đó là cơ sở để củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc, giúp giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới.
  1. Dân số tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ

a. Dân số còn tăng nhanh

            - Đặc điểm: + Dân số tăng nhanh dẫn tới sự bùng nổ dân số vào nửa cuối thế kỷ XX. + Bùng nổ dân số diễn ra với tốc độ và quy mô khác nhau giữa các giai đoạn, các vùng lãnh thổ. + Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hiện nay đã giảm nhưng còn chậm. Dân số trung bình mỗi năm vẫn tăng hơn 1 triệu người. - Đánh giá: + Thuận lợi: * Tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn. * Thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển với lực lượng lao động dồi dào, lực lượng lao động bổ sung lớn. + Khó khăn: Gây sức ép lên các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường.

b. Cơ cấu dân số trẻ

- Đặc điểm: + Nước ta có cơ cấu dân số trẻ: * Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và dưới độ tuổi lao động cao chiếm trên 90% của cả nước. * Mỗi năm số dân đến tuổi lao động tăng thêm hơn 1 triệu người. + Dân số nước ta đang có xu hướng già hòa (nước ta đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng): * Tỷ lệ lớp tuổi 0 -> 14 đã giảm do tỷ suất gia tăng tự nhiên giảm. Số trẻ em được sinh ra hàng năm khoảng từ 1 -> 1,2 triệu người nhưng nhìn chung lớp tuổi này đã có xu thế co lại. * Lớp tuổi trên 60 có xu hướng tăng lên và tuổi thọ trung bình ngày càng cao - Đánh giá: + Thuận lợi: Dân số trẻ nên lực lượng lao động của nước ta rất dồi dào. + Khó khăn: Gánh nặng nuôi dạy, chăm sóc trẻ em, sức ép về lao động nhất là gây khó khăn về sắp xếp việc làm cho nguồn lao động mới gia tăng.
  1. Phân bố dân cư chưa hợp lý

            - Mật độ dân số trung bình: 316 người/km2 (01/02/2021). - Dân cư phân bố không đều và chưa hợp lý giữa các vùng:

a. Giữa đồng bằng với trung du, miền núi

            - Đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số. Chỉ tính riêng 2 đồng bằng lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tập trung tới 42,8% dân số. + Giữa các khu vực Đồng bằng: Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số lớn nhất cả nước, cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long. + Trong nội vùng Đồng bằng: Đồng bằng sông Hồng thì dân cư tập trung đông đúc ở vùng trung tâm, phía đông và đông nam còn thưa thớt hơn ở khu vực phía bắc và đông bắc. Ở Đồng bằng sông Cửu Long mật độ dân số cao ở một số tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu trong khi ở Kiên Giang lại thưa thớt. - Miền núi chiếm tới 3/4 diện tích cả nước nhưng chỉ chiếm khoảng 25% dân số cả nước. + Giữa các khu vực trung du miền núi: Mật độ dân số cũng có sự khác nhau. Mật độ dân số của Trung du và miền núi Bắc Bộ cao hơn của Tây Nguyên. + Trong nội vùng trung du miền núi: Trung du và miền núi Bắc Bộ dân cư tập trung đông hơn ở Đông Bắc thưa thớt hơn ở Tây Bắc. Ở Tây Nguyên đân cư tập trung đông ở Lâm Đồng (nhất là Đà Lạt), thưa thớt hơn ở Kon Tum. => Dân cư phân bố không đồng đều giữa đồng bằng với trung du, miền núi gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên giữa các vùng do đó cần phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng.

b. Giữa thành thị với nông thôn

            Nông thôn tập trung 62,66% dân số. Thành thị chiếm 37,34% dân số (36.346.227 người năm 2019). => Dân cư phân bố không đồng đều giữa thành thị và nông thôn sẽ gây ra những ảnh hưởng: + Ở thành thị: Các thành thị phần lớn tập trung ở đồng bằng, quá trình đô thị hóa không đi đôi với quá trình công nghiệp hóa nên khó khăn đến vấn đề giải quyết việc làm + Ở nông thôn: Người lao động chưa sử dụng hết quỹ thời gian nên hàng năm số người lao động nông thông đổ ra thành phố kiếm việc làm ngày càng nhiều gây nên sức ép về dân số cho các đô thị (nạn thất nghiệp gia tăng, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…). Dân cư và lao động phân bố không đồng đều giữa đồng bằng và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Bắc và miền Nam. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên. Dẫn tới thị trường tiêu dùng cũng phân bố không đều, sức mua cũng khác nhau, thị hiếu cũng khác nhau và ảnh hưởng rất lớn đến việc phân công lại sản xuất. => Việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước là rất cần thiết.
  1. Chiến lược phát triển dân số hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nước ta

            - Thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình. - Xây dựng chính sách chuyển cư phù hợp giữa các vùng. - Xây dựng quy hoạch và chính sách phù hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số nông thôn và thành thị. - Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du miền núi để khai thác hợp lý tài nguyên và lao động. - Đưa xuất khẩu lao động trở thành một chương trình lớn và đổi mới phương thức đào tạo người lao động.

II. KIẾN THỨC VẬN DỤNG, VẬN DỤNG CAO

Nội dung Vận dụng

1. Đông dân, có nhiều thành phần dân tộc

Dân đông do quy mô dân số lớn.
Biểu hiện rõ nét nhất của sức ép dân số tới chất lượng cuộc sống giảm GDP bình quân đầu người.  
Tập trung khoảng 1/2 số dân của các dân tộc ít người ở nước ta là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Nhiều thành phần dân tộc giúp nước ta có thuận lợi đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán.
Nước ta có nhiều thành phần dân tộc do có vị trí ở gần trung tâm Đông Nam Á, cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo
Vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đang đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc là sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc.
Giải pháp có tác dụng tích cực nhất để giảm dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc là thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

2. Dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ

Động lực gây ra bùng nổ dân số nước ta vào cuối những năm 50 của thế kỉ XX là tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên tăng cao.
Trước năm 1954, tỉ suất tăng dân số tự nhiên của nước ta thấp, do tỉ suất sinh thô cao nhưng tỉ suất từ thô cũng cao.
Gia tăng dân số của nước ta hiện nay hàng năm có giảm nhưng còn chậm.
Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm do thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù tỉ lệ sinh giảm song dân số nước ta vẫn tăng nhanh trong thời gian qua, là vì dân số nước ta đông.
Tỷ lệ tử thô có xu hướng giảm do - Chất lượng cuộc sống được nâng cao. - Y tế và phúc lợi xã hội phát triển.
Hiện nay, nước ta nằm trong nhóm nước có gia tăng dân số tự nhiên loại trung bình.
Hậu quả của gia tăng dân số nhanh về mặt môi trường là không đảm bảo sự phát triển bền vững.

3. Phân bố dân cư chưa hợp lý

Mật độ dân số nước ta có xu hướng ngày càng tăng.
Vùng có mật độ dân số thấp nhất hiện nay của nước ta là Tây Nguyên.
Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng vì - Có nhiều điều kiện thuận lợi. - Là nơi có nghề trồng lúa nước truyền thống cần nhiều lao động. - Kinh tế phát triển nhanh. - Công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra mạnh hơn trung du và miền núi.
Mật độ dân số ở Đồng bằng sông Hồng cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long do lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời.
Miền núi nước ta dân cư thưa thớt chủ yếu do - Địa hình hiểm trở - Kinh tế chậm phát triển.
Nhân tố quyết định tới sự phân bố dân cư nước ta trình độ phát triển kinh tế.
Phần lớn dân cư nước ta sống ở nông thôn làm cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Dân cư tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn vì - Sản xuất nông nghiệp, phương tiện lạc hậu nên cần sử dụng nhiều lao động.
Nguyên nhân chủ yếu làm cho tỉ trọng dân số thành thị nước ta ngày càng tăng là do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Phân bố dân cư không hợp lý gây ra nhiều khó khăn nhát là việc - Sử dụng lao động lãng phí, không hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu. - Sử dụng và khai thác tài nguyên nơi ít lao động gặp nhiều khó khăn.

4. Chiến lược phát triển dân số hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nước ta

Giải pháp quan trọng nhất để kiềm chế gia tăng dân số thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng xây dựng chính sách chuyển cư phù hợp.
Kết quả của việc thực hiện chính sách phân bố dân cư và lao động ở nước ta trong các thập kỉ qua là tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động được khai thác hợp lí hơn.

III. CÂU HỎI BÀI TẬP

Câu 1: Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, dân số nước ta đông sẽ tạo nên
A. thị trường rộng lớn trong nước thúc đẩy sản xuất phát triển.
B. thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
C. thuận lợi to lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
D. điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Câu 2: Tập trung khoảng 1/2 số dân của các dân tộc ít người ở nước ta là vùng
A. Duyên hải Nam Trung Bộ. B. Bắc Trung Bộ.
C. Tây Nguyên. D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Câu 3: Nước ta có nhiều thành phần dân tộc do có
A. quá trình phát triển lịch sử lâu dài.
B. vị trí ở gần trung tâm Đông Nam Á, cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo
C. điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cư trú và sản xuất.
D. có chính sách đoàn kết dân tộc của Nhà nước.
Câu 4: Người Việt Nam ở nước ngoài tập trung nhiều nhất ở các quốc gia và khu vực là
A. Bắc Mĩ, Ôxtrâylia, Đông Á B. châu Âu, Ôxtrâylia, Trung Á.
C. Bắc Mĩ, Ôxtrâylia, châu Âu. D. Bắc Mĩ, châu Âu, Nam Á.
Câu 5: Vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đang đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc là
A. các dân tộc ít người sống tập trung ở miền núi.
B. phân bố các dân tộc đã có nhiều thay đổi.
C. mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng.
D. sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc.
Câu 6: Giải pháp có tác dụng tích cực nhất để giảm dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc?
A. Đẩy mạnh giao lưu kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
B. Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
C. Xây dựng chính sách chuyển cư phù hợp.
D. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Câu 7: Động lực gây ra bùng nổ dân số nước ta vào cuối những năm 50 của thế kỉ XX là
A. tỉ lệ tử vong trẻ em thấp.
B. tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên tăng cao.
C. tỉ suất tử giảm nhanh.
D. tỉ suất gia tăng dân số cơ học cao.
Câu 8: Trước năm 1954, tỉ suất tăng dân số tự nhiên của nước ta thấp, do
A. tỉ suất sinh thô thấp nhưng tỉ suất tử thô cao.
B. quy mô dân số chưa lớn.
C. tỉ suất sinh thô cao nhưng tỉ suất tử thô cũng cao.
D. thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Câu 9: Hiện nay, nước ta nằm trong nhóm nước có gia tăng dân số tự nhiên loại
A. rất cao. B. thấp.
C. cao. D. trung bình.
Câu 10: Đâu là nhận định đúng nhất về tình hình gia tăng dân số của nước ta hiện nay?
A. Mức tăng đã đạt đến tình trạng dân số ổn định.
B. Mức gia tăng dân số hàng năm có giảm nhưng còn chậm.
C. Mức tăng giảm nhanh, bằng với mức bình quân của thế giới.
D. Mức gia tăng dân số vẫn còn rất cao, đang trong tình trạng bùng nổ.
Câu 11: Hiện nay tỷ lệ gia tăng dân số nước ta đang giảm là do
A. kết quả của việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
B. những người trong độ tuổi sinh đẻ giảm.
C. có nhiều người Việt Nam di cư ra nước ngoài làm ăn sinh sống.
D. kinh tế ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao.
Câu 12: Mặc dù tỉ lệ sinh giảm song dân số nước ta vẫn tăng nhanh trong thời gian qua, là vì
A. tỉ lệ gia tăng cơ học cao. B. tuổi thọ trung bình tăng cao.
C. dân số nước ta đông. D. tỉ lệ tử vong trẻ em giảm.
Câu 13: Hậu quả của gia tăng dân số nhanh về mặt môi trường là
A. không đảm bảo sự phát triển bền vững.
B. làm giảm tốc độ phát triển kinh tế.
C. chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện.
D. tỉ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp cao.
Câu 14: Nhận định nào sau đây không đúng với đặc điểm phân bố dân cư của nước ta?
A. Dân cư phân bố không đồng đều giữa đồng bằng với trung du và miền núi.
B. Bắc Trung Bộ là vùng có mật độ dân số thấp nhất nước ta hiện nay.
C. Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.
D. Tỉ lệ dân thành thị của nước ta ngày càng tăng.
Câu 15: Mật độ dân số nước ta có xu hướng
A. ngày càng tăng.
B. thấp so với mức trung bình của thế giới.
C. giữ nguyên và ít biến động.
D. ngày càng giảm.
Câu 16: Vùng có mật độ dân số thấp nhất hiện nay của nước ta là
A. Đông Nam Bộ. B. Tây Nguyên.
C. Bắc Trung Bộ. D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Câu 17: Các vùng có mật độ dân số cao hơn mật độ trung bình cả nước là
A. Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ.
B. Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ.
C. Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.
Câu 18: Dân số nước ta tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng, nguyên nhân chủ yếu là
A. hoạt động kinh tế nông nghiệp với nghề trồng lúa nước phát triển lâu đời.
B. khí hậu ở trung du và miền núi khắc nghiệp hơn các vùng đồng bằng.
C. tài nguyên thiên nhiên ở các vùng đồng bằng giàu hơn vùng trung du và miền núi.
D. đồng bằng có mạng lưới đô thị phát triển hơn trung du và miền núi.
Câu 19: Có sự chênh lệch về mật độ dân số giữa vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân nào là chủ yếu?
A. Điều kiện sản xuất nông nghiệp.
B. Điều kiện tự nhiên.
C. Lịch sử khai thác lãnh thổ.
D. Trình độ sản xuất.
Câu 20: Miền núi nước ta dân cư thưa thớt chủ yếu do
A. nhiều đất dốc, giao thông còn khó khăn.
B. nhiều thiên tai, công nghiệp còn hạn chế.
C. có nhiều dân tộc ít người, sản xuất nhỏ.
D. địa hình hiểm trở, kinh tế chậm phát triển.
Câu 21: Nhân tố nào sau đây có tính quyết định đến sự phân bố dân cư ở nước ta hiện nay?
A. Tài nguyên thiên nhiên. B. Trình độ phát triển kinh tế
C. Quá trình xuất, nhập cư. D. Lịch sử khai thác lãnh thổ.
Câu 22: Phần lớn dân cư nước ta sống ở nông thôn làm cho
A. việc nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn gặp nhiều khó khăn.
B. các đô thị không gặp khó khăn về vấn đề nhà ở, việc làm.
C. môi trường sống của các đô thị nước ta tốt hơn các nước khác.
D. tài nguyên đất, rừng… được khai thác hợp lí hơn.
Câu 23: Nguyên nhân chủ yếu làm cho tỉ trọng dân số thành thị nước ta ngày càng tăng là do
A. quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
B. ngành nông – lâm – ngư nghiệp phát triển.
C. phân bố lại dân cư giữa các vùng.
D. đời sống nhân dân thành thị nâng cao.
Câu 24: Phân bố dân số nước ta không đều giữa các vùng trong các nước, gây ra nhiều khó khăn, nhất là
A. việc sử dụng hợp lý nguồn lao động.
B. trong khai thác tài nguyên khoáng sản.
C. trong khai thác đất nông nghiệp.
D. trong đào tạo nâng cao tay nghề.
Câu 25: Kết quả của việc thực hiện chính sách phân bố dân cư và lao động ở nước ta trong các thập kỉ qua là
A. dân số thành thị tăng nhanh.
B. sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng giảm mạnh.
C. tại các vùng đồng bằng, mật độ dân số giảm dần; các vùng trung du và miền núi, mật độ dân số tăng dần.
D. tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động được khai thác hợp lí hơn.
--------- Hết -------- ĐÁP ÁN
1 A 6 B 11 A 16 B 21 B
2 A 7 B 12 C 17 D 22 A
3 B 8 C 13 A 18 A 23 A
4 C 9 D 14 B 19 C 24 A
5 D 10 B 15 A 20 D 25 D

MỤC LỤC BÀI HỌC

TRỌNG TÂM CHINH PHỤC 10 ĐIỂM THPT QUỐC GIA 2022

MÔN ĐỊA LÝ

ĐỊA LÍ VIỆT NAM

ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN LÃNH THỔ

BÀI 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, PHẠM VI LÃNH THỔ

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TỰ NHIÊN

BÀI 2: ĐẤT NƯỚC NHIỀU ĐỒI NÚI BÀI 3: THIÊN NHIÊN CHỊU ẢNH HƯỞNG SÂU SẮC CỦA BIỂN BÀI 4: THIÊN NHIÊN NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA BÀI 5: THIÊN NHIÊN PHÂN HÓA ĐA DẠNG BÀI 6: SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN BÀI 7: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

ĐỊA LÝ DÂN CƯ

BÀI 8: ĐẶC ĐIỂM DÂN SỐ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ Ở NƯỚC TA BÀI 9: LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM BÀI 10: ĐÔ THỊ HÓA

ĐỊA LÝ KINH TẾ

BÀI 11: CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

ĐỊA LÝ CÁC NGÀNH KINH TẾ, MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NÔNG NGHIỆP

BÀI 12: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BÀI 13: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN VÀ LÂM NGHIỆP

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÔNG NGHIỆP

BÀI 14: CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÀI 15: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM BÀI 16: VẤN ĐỀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÔNG NGHIỆP

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÁC NGÀNH DỊCH VỤ

BÀI 17: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC BÀI 18: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH

ĐỊA LÝ CÁC VÙNG KINH TẾ

BÀI 19: VẤN ĐỀ KHAI THÁC THẾ MẠNH Ở TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ BÀI 20: VẤN ĐỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO NGÀNH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG BÀI 21: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở BẮC TRUNG BỘ BÀI 22: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ BÀI 23: VẤN ĐỀ KHÁC THÁC THẾ MẠNH Ở TÂY NGUYÊN BÀI 24: VẤN ĐỀ KHAI THÁC LÃNH THỔ THEO CHIỀU SÂU Ở ĐÔNG NAM BỘ BÀI 25: VẤN ĐỀ SỬ DỤNG HỢP LÝ VÀ CẢI TẠO TỰ NHIÊN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG BÀI 26: VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, AN NINH QUỐC PHÒNG Ở BIỂN ĐÔNG, CÁC ĐẢO VÀ QUẦN ĐẢO

Các bài viết liên quan

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Tiếng anh và gợi ý giải...

415 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...

603 View

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...

539 View

Các bài viết được xem nhiều nhất

Theo dõi Captoc trên

Khoa học xã hội

Facebook Group

270.000 members

Khoa học tự nhiên

Facebook Group

96.000 members