Bài 24: Việt Nam trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)
50 View
Lý thuyết
I. Tình hình kinh tế-xã hội
1. Những biến động về kinh tế - Pháp tăng cường vơ vét sức người, sức của của nhân dân Việt Nam để phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất ⇒ tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam. - Công nghiệp: + Những mỏ đang khai thác nay được bỏ vốn thêm. + Mở thêm một số cơ sở kinh doanh (nhiều công ti than mới xuất hiện như các công ti than Tuyên Quang, Đông Triều…). - Thương nghiệp: tư bản Pháp phải nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do => công thương nghiệp và giao thông vận tải ở Việt Nam có điều kiện phát triển. - Nông nghiệp từ chỗ độc canh cấy lúa đã chuyển một phần sang trồng các loại cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu, lạc,... 2. Tình hình phân hóa xã hội Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp đã tác động mạnh đến tình hình xã hội ở Việt Nam. - Giai cấp nông dân: + Nạn bắt lính (đối tượng chính là nông dân) diễn ra ngày càng gắt gao ⇒ Sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng. + Nạn chiếm đoạt ruộng đất, sưu thuế ngày càng nặng; thiên tai, lụt bão, hạn hán liên tiếp xảy ra ⇒ đời sống của nông dân ngày càng bần cùng. - Giai cấp công nhân đã tăng lên về số lượng. - Tư sản Việt Nam trong một số ngành đã thoát khỏi sự kiềm chế của tư bản Pháp. - Tầng lớp tiểu tư sản thành thị cũng có bước phát triển rõ rệt về số lượng. Họ lập cơ quan ngôn luận riêng như các báo Diễn đàn bản xư, Đại Việt….nhằm bênh vực quyền lợi về chính trị và kinh tế cho người trong nước. - Lực lượng chủ chốt của phong trào dân tộc thời kì này vẫn là công nhân và nông dân.II. Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh
1. Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội - Năm 1914, do tình hình thế giới và trong nươc có nhiều thay đổi, Việt Nam Quang phục hội đã tổ chức nhiều cuộc bạo động. - Hoạt động tiêu biểu: + Tháng 9/1914, hội viên Đỗ Chân Thiết, lập chi hội ở Vân Nam, dự định vận động binh lính đánh úp Hà Nội. Việc bị bại lộ, Đỗ Chân Thiết cùng hơn 50 người bị bắt. + 1914 – 1916, Hội đã tiến hành một số cuộc bạo động như: tấn công vào các đồn binh của Pháp ở Cao Bằng, Phú Thọ, Nho Quan, Móng Cái; tổ chức phá ngục Lao Bảo (Quảng Trị),... - Kết quả: các hoạt động đấu tranh đều lần lượt thất bại ⇒ Việt Nam Quang phục hội tan rã sau đợt khủng bố lớn của thực dân Pháp và tay sai năm 1916. 2. Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916) - Trần Cao Vân đã bị tù vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kì năm 1908. Mãn hạn, ông bí mật liên hệ với Thái Phiên để xúc tiến khởi nghĩa. Hai ông đã mời vua Duy Tân tham gia với tư cách là người lãnh đạo tối cao cuộc khởi nghĩa. Vua Duy Tân khi còn nhỏ - Nhân dân Trung Kì, đặc biệt là số binh lính người Việt đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Thái Phiên và Trần Cao Vân, ráo riết chuẩn bị ngày khởi sự. - Khởi nghĩa dự định vào giữa tháng 5/1916, nhưng kế hoạch bị lộ ⇒ Pháp ra lệnh đóng cửa trại lính, tước vũ khí của binh lính người Việt, lùng bắt những người yêu nước. Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân bị giặc bắt. Nghĩa binh ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi nổi dậy, nhưng thiếu người lãnh đạo nên tan rã nhanh chóng. 3. Khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917) * Nguyên nhân: Binh lính người Việt được giác ngộ bởi lý tưởng yêu nước, đấu tranh cách mạng. * Lãnh đạo: Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến. * Địa bàn đấu tranh: Thái Nguyên. * Lực lượng tham gia: Binh lính người Việt trong quân đội Pháp. * Diễn biến chính: + Cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 30 rạng sáng 31/8/1917. Giám binh Nô-en bị giết. Quân khởi nghĩa chiếm các công sở, phá nhà tù, giải phóng tất cả tù nhân, làm chủ toàn bộ thị xã, trừ trại lính Pháp. + Lãnh đạo nghĩa quân phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, vạch tội ác của giặc Pháp, kêu gọi đồng bào vùng lên khôi phục nền độc lập của đất nước. + Thực dân Pháp quyết định đưa 2 000 quân lên Thái Nguyên tiếp viện. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Sau một tuần lễ làm chủ tỉnh lị, nghĩa quân phải rút ra ngoài và kéo dài cuộc chiến đấu được 6 tháng thì tan rã. 4. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số - Tại Tây Bắc, từ 1914 – 1916, bùng nổ cuộc khởi nghĩa của người Thái. - Năm 1918, đồng bào Mông vùng Lai Châu khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Giàng Tả Chay. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 4 năm, buộc chính quyền thực dân phải nới rộng ách kìm kẹp, áp bức đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. -Ở vùng Đông Bắc, binh lính dồn Bình Liêu nổi dậy (11/1918), lôi cuốn đông đảo đồng bào các dân tộc Hán, Nùng, Dao ở địa phương tham gia. Đến giữa năm 1919, giặc Pháp mới dẹp yên được cuộc khởi nghĩa này. - Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã nhiều lần nổi dậy chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mnông do N’Trang Long (từ 1916 – 1935). 5. Phong trào Hội kín ở Nam Kì - Phong trào yêu nước của nhân dân Nam Kì tồn tại trong các tổ chức hội kín như Thiên địa hội, Nghĩa hòa đoàn, Phục hưng hội…. - Các hội kín thường núp dưới hình thức tôn giáo, mê tín để tuyên truyền, vận động và hoạt động trong quần chúng , chủ yếu là nông dân. - Năm 1913 đã có 600 nông dân các tỉnh Gia Định, Tân An, Vĩnh Long….mặc áo bà ba trắng, đeo bùa chú, kéo vào Sài Gòn định đánh chiếm công sở, rồi đưa Phan Xích Long lên ngôi. Đoàn người bị đàn áp. Phan Xích Long bị giam giữ trong Khám lớn Sài Gòn. - Đêm 14/2/1916, mấy trăm người ăn mặc giống nhau (áo cánh đen, quần trắng, khăn trắng quấn cổ), mỗi người đều có gươm hoặc giáo và bùa hộ mệnh, chia làm nhiều ngả tiến vào Sài Gòn. Quân địch đã phản công quyết liệt, nghĩa quân buộc phải rút lui. - Phong trào Hội kín ở Nam Kì thực chất là phong trào đấu tranh của nông dân, diễn ra quyết liệt, nhưng vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nên đã nhanh chóng thất bại.III. Sự xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới
1. Phong trào công nhân - Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, công nhân đã kết hợp đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế với bạo động vũ trang. - Các cuộc đấu tranh tiêu biểu: + Ngày 22/2/1916, nữ công nhân nhà máy sang Kế Bào (Quảng Ninh) nghỉ việc 7 ngày chống cúp phạt lương. + Năm 1916, gần 100 công nhân mỏ than Hà Tu đã đánh trả bọn lính khố xanh khi chúng đến cướp bóc hàng hóa, trêu nghẹo phụ nữ. + Tháng 6 và 7/1917 công nhân mỏ bô xít Cao Bằng bỏ trốn; 47 công nhân Thái Bình mới đến cũng chống lại bọn cai thầu. + Năm 1918, khoảng 700 công nhân mỏ than Hà Tu đốt nhà một tên cai thầu ngược đãi công nhân. ⇒ Phong trào công nhân trong những năm 1914 - 1919 đã mang những nét riêng, thế hiện rõ tinh thần đoàn kết, ý thức kỉ luật của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, phong trào còn mang tính tự phát. 2. Buổi đầu hoạt động cứu nước của Nguyễn Tất Thành (1911-1918) * Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước: - Nguyễn Tất thành sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. - Mảnh đất quê hương của Nguyễn Tất Thành (Làng Kim Liên nay thuộc xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là một miền quê có truyền thống đấu tranh quật khởi. - Nguyễn Tất thành sinh ra và lớn lên trong cảnh: nước mất, nhà tan; các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại; phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo... ⇒ Tất cả những yếu tố về: truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và vận nước nguy nan đã hun đúc nên ở Nguyễn Tất Thành quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. ⇒ Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin * Hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành trong những năm 1911 – 1917 - Người đã đi nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau Người nhận thấy rằng ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị áp bức và bóc lột dã man. - Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. + Người đã làm rất nhiều nghề, học tập, rèn luyện trong cuộc đấu tranh của quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp. + Tham gia hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước. + Tham gia đấu tranh đòi cho binh lính và thợ thuyền Việt Nam sớm được hồi hương. ⇒ Ý nghĩa: là quá trình khảo nghiệm để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.Trả lời câu hỏi trang 147:
- Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong chiến tranh tác động như thế nào tới nền kinh tế của nước ta? Trả lời: - Sự cướp bóc của Pháp ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội Việt Nam. + Công nghiệp: ngành khai mỏ được bỏ vốn thêm, một vài công ty than mới xuất hiện, các kim loại cần cho chiến tranh được khai thác mạnh. Trong giai đoạn này, Pháp nới lỏng cho các xí nghiệp của người Việt mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh (công ti của Nguyễn Hữu Thụ, Bạch Thái Bưởi), nhiều xí nghiệp mới xuất hiện. + Công thương nghiệp, giao thông vận tải: phát triển do chính sách nới tay độc quyền cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do. - Công việc kinh doanh của người Việt được mở rộng như Công ty của Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, nhiều xí nghiệp mới xuất hiện. + Nông nghiệp: chuyển từ chuyên canh cây lúa sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh (thầu dầu, đậu, lạc…). Đời sống nông dân khó khăn. - Những chính sách khai thác thuộc địa của Pháp trong chiến tranh đã tác động như thế nào đến các tầng lớp xã hội Việt Nam? Trả lời: Chính sách của Pháp và những biến động về kinh tế trong chiến tranh đã tác động mạnh đến sự phân hóa xã hội Việt Nam. - Nạn bị bắt lính và những chính sách trong nông nghiệp đã làm sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng, đời sống nông dân bị bần cùng. - Giai cấp công nhân lớn lên về số lượng, đặc biệt trong hai ngành khai mỏ và trồng cao su. - Tư sản Việt Nam dần thoát khỏi sự kiềm chế của người Pháp và phát triển: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thụ. - Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị phát triển rõ rệt về số lượng. Tư sản và tiểu tư sản tăng về số lượng nhưng chưa trở thành giai cấp. Họ giữ những vai trò kinh tế, chính trị nhất định, song lực lượng chủ chốt của phong trào dân tộc thời kỳ này vẫn là công nhân và nông dân.Trả lời câu hỏi trang 148:
- Những chính sách khai thác thuộc địa của Pháp trong chiến tranh đã tác động như thế nào đến các tầng lớp xã hội Việt Nam? Trả lời: Chính sách của Pháp và những biến động về kinh tế trong chiến tranh đã tác động mạnh đến sự phân hóa xã hội Việt Nam. - Nạn bị bắt lính và những chính sách trong nông nghiệp đã làm sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng, đời sống nông dân bị bần cùng. - Giai cấp công nhân lớn lên về số lượng, đặc biệt trong hai ngành khai mỏ và trồng cao su. - Tư sản Việt Nam dần thoát khỏi sự kiềm chế của người Pháp và phát triển: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thụ. - Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị phát triển rõ rệt về số lượng. Tư sản và tiểu tư sản tăng về số lượng nhưng chưa trở thành giai cấp. Họ giữ những vai trò kinh tế, chính trị nhất định, song lực lượng chủ chốt của phong trào dân tộc thời kỳ này vẫn là công nhân và nông dân.Trả lời câu hỏi trang 149:
- Trong thời gian đầu chiến tranh, Việt Nam Quang Phục hội đã hoạt động với những hình thức nào? - Việc vua Duy tân tham gia cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916 ở Huế có ý nghĩa như thế nào? Trả lời: * Thời gian đầu chiến tranh, Việt Nam Quang Phục hội đã hoạt động với những hình thức như ám sát cá nhân, trù tính kế hoạch tổng bạo động trong toàn quốc trước tiên là đánh chiếm Hà Nội, tập kích một số đồn ở Phú Thọ, Nho Quan (Ninh Bình), Móng Cái, Lạng Sơn, phá ngục Lao Bảo (Quảng Trị) . . . => Hình thức chủ yếu: đấu tranh vũ trang . Hoạt động: + Tấn công các đồn binh Pháp ở Cao Bằng, Phú Thọ, Nho Quan, Móng Cái. + Phá nhà ngục Lao Bảo. Thất bại và tan rã năm 1916. * Việc vua Duy tân tham gia cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916 ở Huế có ý nghĩa: - Khẳng định việc tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân là mong muốn chính đáng của sĩ phu yêu nước Trung kỳ và xuất phát từ ý thức yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, muốn giải phóng dân tộc ra khỏi đêm dài nô lệ của vua Duy Tân.Trả lời câu hỏi trang 150:
- Việc binh lính người Việt tham gia phong trào yêu nước trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất có ý nghĩa gì? Trả lời: Đó là do cuộc khởi nghĩa, trong chừng mực nhất định, đã đáp ứng được nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng lao động. Thể hiện lòng tin vững chắc vào hành động chính nghĩa và biết gắn hành động vào cuộc vận động cách mạng có xu hướng chính trị tương đối tiến bộ của Việt Nam Quang phục hội. Gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận ở Pháp và Đông Dương những năm 1917-1918 Cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn bị thất bại đã thể hiện sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở nước ta lúc đó.Trả lời câu hỏi trang 151:
- Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam đã có những cuộc khởi nghĩa lớn nào của đồng bào dân tộc thiểu số? - Các cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa gì? - Tại sao các hội kín dùng hình thức tôn giáo và sử dụng bùa chú trong tổ chức và hoạt động? Trả lời: * Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số - Thủ lĩnh các dân tộc ít người (Giàng Tả Chay, Nơ-trang Lơng) - Dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên - 1914 – 1915: khởi nghĩa của người Thái ở Tây Bắc. - 1918, người Mông ở Lai Châu khởi nghĩa - 1918 - 1919, ở Đông Bắc, binh lính đồn Bình Liêu nổi dậy, lôi cuốn đông đảo các dân tộc Nùng, Dao... - Ở Tây Nguyên, lớn nhất là khởi nghĩa của đồng bào Mơ-nông do Nơ-trang Lơng chỉ huy, dài hơn 20 năm. Tất cả đều thất bại nhưng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. * Các cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra trên những địa bàn rộng lớn; lợi dụng địa hình rừng núi có ý nghĩa: - Gây cho địch nhiều thiệt hại - Buộc địch phải rút lui hoặc nhân nhượng một số quyền lợi. * Các hội kín dùng hình thức tôn giáo và sử dụng bùa chú trong tổ chức và hoạt động vì: Dân chúng ở các tỉnh Nam Kỳ và vùng biên giới Việt - Miên vốn có niềm tin tôn giáo sâu sắc và ưa chuộng việc dùng bùa chú, thuật số. Vì vậy, họ rất kính trọng các sư sãi, thầy đạo. Với chiếc áo nhà sư, Phan Xích Long sẽ dễ tiếp xúc và thuyết phục họ tham gia hoạt động của hội kín và tuyên truyền yêu nước.Trả lời câu hỏi trang 153:
- Vì sao Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước? - Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong những năm 1911 – 1918 nhằm mục đích gì? Trả lời: * Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước mới vì: 1. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân Pháp.Nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh đã nổ ra liên tiếp nhưng thất bại Khủng hoảng đường lối lãnh đạo CM 2. Nguyễn Tất Thành không nhất trí với chủ trương,con đường cứu nước mà các bậc tiền bối đã lựa chọn 3. Nguyễn Tất Thành muốn sang Phương Tây tìm hiểu xem nước Pháp và nước khác làm như thế nào rồi sẽ về giúp đồng bào mình.Tìm hiểu những bí ẩn đằng sau những từ :"Tự do - Bình đẳng - Bác ái" 4. Nguyễn Tất Thành có lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc. * Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong những năm 1911 – 1918 nhằm mục đích: - Trong nhiều năm 1911 – 1918 , Nguyễn Tất Thành đã đi qua nhiều nước, ở nhiều châu lục khác nhau. Người nhận thấy rằng: ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man. - Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, tại đây người làm nhiều nghề :học tập, rèn luyện trong trong cuộc đấu tranh của quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp. - Tham gia hoạt động trong hội những người Việt Nam yêu nước, viết báo, truyền đơn, tranh thủ các diễn đàn, các buổi mít tinh để tố cáo thực dân và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam - 1917 cách mạng tháng Mười Nga thành công đã ảnh hưởng đến tư tưởng cứu nước của Người... - Sống và làm việc trong phong trào công nhân Pháp, tiếp nhận ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga làm chuyển biến tư tưởng và là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.Câu 1 trang 153 sgk Lịch Sử 11:
Nêu những biến động về mặt kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lời giải: 1. Những biến động về kinh tế - Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp ra sức vơ vét tối đa nhân lực vật lực và tài lực để gánh đỡ những tổn thất và thiếu hụt của Pháp trong chiến tranh. - Pháp tăng thuế, bắt nhân dân Việt Nam mua công trái, vơ vét lương thực, nông lâm sản, kim loại... đem về Pháp. - Sự cướp bóc của Pháp ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế – xã hội Việt Nam. + Công nghiệp: ngành khai mỏ được bỏ vốn thêm, một vài công ty than mới xuất hiện, các kim loại cần cho chiến tranh được khai thác mạnh. Trong giai đoạn này, Pháp nới lỏng cho các xí nghiệp của người Việt mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh (công ti của Nguyễn Hữu Thụ, Bạch Thái Bưởi), nhiều xí nghiệp mới xuất hiện. + Công thương nghiệp, giao thông vận tải: phát triển do chính sách nới tay độc quyền cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do. Công việc kinh doanh của người Việt được mở rộng như Công ty của Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, nhiều xí nghiệp mới xuất hiện. + Nông nghiệp: chuyển từ chuyên canh cây lúa sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh (thầu dầu, đậu, lạc...). Đời sống nông dân khó khăn. 2. Tình hình phân hóa xã hội: Chính sách của Pháp và những biến động về kinh tế trong chiến tranh đã tác động mạnh đến sự phân hóa xã hội Việt Nam. - Nạn bị bắt lính và những chính sách trong nông nghiệp đã làm sức sản xuất ở nông thôn giảm sút nghiêm trọng, đời sống nông dân bị bần cùng. - Giai cấp công nhân lớn lên về số lượng, đặc biệt trong hai ngành khai mỏ và trồng cao su. - Tư sản Việt Nam dần thoát khỏi sự kiềm chế của người Pháp và phát triển: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thụ. - Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị phát triển rõ rệt về số lượng. Tư sản và tiểu tư sản tăng về số lượng nhưng chưa trở thành giai cấp. Họ giữ những vai trò kinh tế, chính trị nhất định, song lực lượng chủ chốt của phong trào dân tộc thời kỳ này vẫn là công nhân và nông dân.Câu 2 trang 153 sgk Lịch Sử 11:
Điểm lại các phong trào yêu nước tiêu biểu trong thời kì chiến tranh. Lời giải:Phong trào | Lãnh đạo | Lực lượng | Hoạt động | Kết quả – Ý nghĩa |
Việt Nam Quang phục hội | Phan Bội Châu | Công nhân, viên chức hỏa xa tuyến Hải Phòng -Vân Nam | - Tấn công các đồn binh Pháp ở Cao Bằng, Phú Thọ, Nho Quan, Móng Cái...; - Phá nhà ngục Lao Bảo. | Thất bại và tan rã năm 1916. |
Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916) | Vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân | Nhân dân và binh lính ở Trung Kì | Dự định phối hợp với binh lính Việt, chủ yếu ở miền Trung nổi dậy khởi nghĩa nhưng thất bại. | Cả ba ông bị bắt |
Khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên | Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến | Tù chính trị và binh lính người Việt | - Đêm 30 rạng 31.08.1817, qưân khởi nghĩa kiểm soát toàn bộ thị xã (trừ trại lính Pháp), giương cờ “Nam binh phục quốc”, phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, vạch tội ác của giặc Pháp, kêu gọi khôi phục nền độc lập của đất nước | Pháp đưa 2000 lính đán áp. nghĩa quân chiến đấu anh dũng trong 6 tháng thì thất bại |
Phong trào Hội kín ở Nam Kỳ | Phan Xích Long | Chủ yếu là nông dân ở Nam Kì | Phát triển rầm rộ ở miền Nam. Đáng chú ý nhất là vụ đột nhập vào Sài Gòn, mưu phá khám lớn để cứu Phan Xích Long | Thất bại vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến |
Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số | Thủ lĩnh các dân tộc ít người (Giàng Tả Chay, Nơ-trang Lơng) | Dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên | - 1914 – 1915: khởi nghĩa của người Thái ở Tây Bắc. - 1918, người Mông ở Lai Châu khởi nghĩa - 1918 - 1919, ở Đông Bắc, binh lính đồn Bình Liêu nổi dậy, lôi cuốn đông đảo các dân tộc Nùng, Dao... - Ở Tây Nguyên, lớn nhất là khởi nghĩa của đồng bào Mơ-nông do Nơ-trang Lơng chỉ huy, dài hơn 20 năm. | Tất cả đều thất bại nhưng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. |
Câu 3 trang 153 sgk Lịch Sử 11:
Tại sao nói đây là thời kì phong trào cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo? Lời giải: - Các phong trào đều mang tính tự phát, chủ yếu đòi quyền lợi kinh tế. - Chưa đề ra được đường lối đấu tranh lâu dài, cụ thể. - Có nhiều thành phần giai cấp lãnh đạo - Nguyên nhân chính là do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn, thiếu sự lãnh đạo thống nhất của một giai cấp tiên phong, đủ sức tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để đưa cách mạng đến thành công. Biểu hiện của nó là phong trào diễn ra lẻ tẻ, không thống nhất và cuối cùng đều thất bại.Trắc nghiệm có đáp án năm 2021 mới nhất
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI (1914 - 1918)
Câu 1: Để phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách gì ở Đông Dương? A. Khuyến khích nhân dân ta tích cực sản xuất nông nghiệp để tăng nguồn lương thực B. Tăng cường đầu tư sản xuất công nghiệp C. Tăng thuế để tăng nguồn thu ngân sách D. Bắt dân thuộc địa đóng nhiều thứ thuế, mua công trái, đưa lương thực, nông sản, kim loại sang Pháp Đáp án: Để phục vụ cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp ở Đông Dương đã thực hiện chính sách Bắt nhân dân ta đóng nhiều thứ thuế, mua công trái, đưa lương thực, nông sản, kim loại sang Pháp. Đáp án cần chọn là: D Câu 2: Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra đã có tác động như thế nào đến việc trao đổi hàng hóa giữa Pháp với Đông Dương? A. Hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm B. Hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương tăng lên C. Hàng hóa xuất khẩu từ Đông Dương sang Pháp giảm D. Hàng hóa xuất khẩu từ Đông Dương sang Pháp tăng lên Đáp án: Chiến tranh thế giới thứ nhất làm cho việc trao đổi hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm hẳn xuống còn 33 triệu phrăng (1918). Đáp án cần chọn là: A Câu 3: Để giải quyết khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa giữa Đông Dương và Pháp trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư bản Pháp đã đưa ra giải pháp gì? A. Liên kết đầu tư kinh doanh B. Nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do C. Khuyến khích đầu tư vốn vào các ngành sản xuất công nghiệp D. Khuyến khích các nghề thủ công truyền thống phát triển Đáp án: Để giải quyết khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa giữa Đông Dương và Pháp trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư bản Pháp đã nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do. Đáp án cần chọn là: B Câu 4: Nền nông nghiệp ở Đông Dương trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất có sự chuyển biến ra sao? A. Chuyển từ độc canh cây lúa sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh B. Chuyển hẳn sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh C. Chuyển sang nền nông nghiệp chuyên canh hóa D. Chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa Đáp án: Để phục vụ tối đa cho nhu cầu chiến tranh của chính quốc, nền nông nghiệp ở Đông Dương trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất từ chỗ độc canh cây lúa đã chuyển một phân sang trồng các loại cây công nghiệp thầu dầu, đậu, lạc,… Đáp án cần chọn là: A Câu 5: Nền công nghiệp ở Đông Dương trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất có vai trò như thế nào đối với nước Pháp? A. Hỗ trợ cho sự phát triền của công nghiệp chính quốc B. Bù đắp những tổn thất, thiếu hụt do chiến tranh của chính quốc C. Cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của chiến tranh D. Tránh sự phụ thuộc vào nền công nghiệp chính quốc Đáp án: Công nghiệp thuộc địa phải gánh đỡ những tổn thất, bù đắp những thiếu hụt của chính quốc trong thời gian chiến tranh. Chính vì thế, nhiều mỏ đang khai thác đã được bỏ vốn thêm; một số công ti than mới xuất hiện Đáp án cần chọn là: B Câu 6: Cơ sở nào đã dẫn đến sự phân hóa xã hội Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất? A. Chính sách về kinh tế, văn hóa của Pháp ở Việt Nam B. Những biến động về xã hội ở Việt Nam C. Chính sách thống trị của Pháp và những biến động về kinh tế ở Việt Nam D. Pháp là một bên tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất Đáp án: Chính sách thống trị của thực dân Pháp và những biến động về kinh tế ở Việt Nam trong 4 năm chiến tranh đã tác động mạnh đến tình hình xã hội ở Việt Nam, làm cho xã hội tiếp tục có sự phân hóa sâu sắc Đáp án cần chọn là: C Câu 7: Vì sao nông dân Việt Nam ngày càng bần cùng trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất? A. Pháp chuyển sang độc canh cây công nghiệp phục vụ chiến tranh B. Pháp không quan tâm phát triển nông nghiệp C. Nạn bắt lính đưa sang chiến trường châu Âu, nạn chiếm đoạt ruộng đất, sưu cao thuế nặng D. Hạn hán, lũ lụt diễn ra thường xuyên Đáp án: Nạn bắt lính làm cho sức sản xuất ở nông thôn ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Thêm vào đó là tình trạng chiếm đoạt ruộng đất ngày càng tăng lên, hạn hán, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra làm cho đời sống của nông dân ngày càng bần cùng. Đáp án cần chọn là: C Câu 8: Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, tư sản Việt Nam đã làm gì để vươn lên và xác lập địa vị chính trị nhất định? A. Tăng cường đẩy mạnh sản xuất kinh doanh B. Đẩy mạnh buôn bán với tư bản Pháp C. Lập cơ quan ngôn luận, bênh vực quyền lợi về chính trị và kinh tế cho người trong nước D. Cử người tham gia bộ máy chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương Đáp án: Để có địa vị chính trị nhất định, tư sản Việt Nam đã lập cơ quan ngôn luận riêng như báo Diễn đàn bản xứ, Đại Việt,…nhằm bênh vực quyền lợi kinh tế và và chính trị cho người trong nước. Đáp án cần chọn là: C Câu 9: Tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do đã có tác động gì đến sự phân hóa giai cấp ở giai đoạn đoạn sau A. Đẩy mạnh quá trình tập hợp lực lượng, đặt cơ sở cho sự ra đời của giai cấp tư sản sau chiến tranh B. Đưa giai cấp tư sản trở thành một thế lực kinh tế hùng mạnh, đối trọng với tư bản Pháp C. Dẫn tới tinh thần thỏa hiệp của giai cấp tư sản sau chiến tranh D. Tạo điều kiện để tư tưởng vô sản có thể du nhập vào Việt Nam Đáp án: Trong những năm chiến tranh, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm hẳn. Để giải quyết khó khăn trên tư bản Pháp phải nới lỏng độc quyền, cho tư bản người Việt được kinh doanh tương đối tự do. Điều này đã dẫn tới sự lớn mạnh của tầng lớp tư sản cả về số lượng và thế lực kinh tế, đặt cơ sở cho sự ra đời của giai cấp tư sản sau chiến tranh Đáp án cần chọn là: A Câu 10: Nhận định “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc” của tạp chí Nam Phong trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) muốn nhấn mạnh điều gì? A. Sự đóng góp rất lớn của Việt Nam cho nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất B. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ nhất C. Sự lớn mạnh của giai cấp tư sản Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ nhất D. Sức mạnh của nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất Đáp án: Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Việt Nam với tư cách là một trong những thuộc địa quan trọng hàng đầu của thực dân Pháp đã phải đóng góp nguồn lực rất lớn để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của mẫu quốc. Trong 4 năm chiến tranh, chính quyền thuộc địa đã thu được trên 184 triệu phrăng tiền công trái, gần 14 triệu phrăng tiền quyên góp, cùng hàng tram tấn lương thực, lâm sản và hàng vạn tấn kim loại cần thiết cho sản xuất vũ khí để chở về Pháp. Hàng ngàn người Việt Nam bị bắt sang các chiến trường để làm bia đỡ đạn cho chính quốc ⇒ sự đóng góp này là cơ sở chủ yếu để nước Pháp có thể vượt qua những năm chiến tranh đầy khó khăn Đáp án cần chọn là: AB. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH VŨ TRANG TRONG CHIẾN TRANH
Câu 1: Hình thức hoạt động của Việt Nam Quang phục hội trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất là A. Giáo dục tuyên truyền tư tưởng tiến bộ B. Cải cách văn hóa xã hội. C. Kêu gọi mọi người đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị. D. Vận động nhiều tầng lớp tham gia vào các cuộc bạo động. Đáp án: Hình thức hoạt động của Việt Nam Quang phục hội trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất là vận động nhiều tầng lớp tham gia vào các cuộc bạo động. Đáp án cần chọn là: D Câu 2: Việt Nam Quang phục hội tan vỡ vào khoảng thời gian nào? A. 1915. B. 1916. C. 1917. D. 1918. Đáp án: Sau đợt khủng bố lớn của của thực dân Pháp và tay sai vào năm 1916, Việt Nam Quang phục hội tan rã. Đáp án cần chọn là: B Câu 3: Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào Hội kín ở Nam Kì hoạt động dưới hình thức nào? A. Tuyên truyền vận động quần chúng dưới hình thức tôn giáo, mê tín. B. Cải cách văn hóa, xã hội. C. Kêu gọi mọi người đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị. D. Vận động nhiều tầng lớp tham gia vào các cuộc bạo động. Đáp án: Các hội kín thường núp dưới hình thức tôn giáo, mê tín để dễ tuyên truyền vận động và hoạt động trong quần chúng, chủ yếu là nông dân Đáp án cần chọn là: A Câu 4: Một trong những hoạt động của Việt Nam Quang phục hội khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ là A. tuyên truyền, tố cáo tội ác của thực dân Pháp B. vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp tham gia đấu tranh C. tổ chức các cuộc bạo động: phá đường sắt, nhà lao, tấn công đồn lính D. kết hợp đấu tranh chính trị- vũ trang chống Pháp và chống phong kiến Đáp án: Một trong những hoạt động của Việt Nam Quang phục hội là tiến hành một số cuộc bạo động như: phá đường sắt, nhà lao, tấn công đồn lính. Đáp án cần chọn là:C Câu 5: Lực lượng chủ yếu của Việt Nam Quang phục hội trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất là A. công nhân, nông dân, thợ thủ công. B. công nhân và viên chức hỏa xa trên tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam. C. công nhân và binh lính người Việt trong quân đội Pháp. D. tất cả các giai tầng trong cả nước. Đáp án: Lực lượng chủ yếu của Việt Nam Quang phục hội trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất là công nhân và viên chức hỏa xa trên tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam. Đáp án cần chọn là: B Câu 6: Thành phần tham gia đông đảo nhất trong phong trào Hội kín ở Nam Kì là A. Nông dân và dân nghèo thành thị. B. Nông dân và công nhân. C. Công nhân và binh lính người Việt. D. Công nhân, thợ thủ công và dân nghèo thành thị. Đáp án: Thành phần tham gia đông đảo nhất trong phong trào Hội kín ở Nam Kì là nông dân và dân nghèo thành thị, phát triển rầm rộ ở các tỉnh Nam Kì. Đáp án cần chọn là: A Câu 7: Bản chất của phong trào hội kín ở Nam Kì là gì? A. Là phong trào ma thuật, bùa chú B. Là phong trào đấu tranh của nông dân khi bị đè nén đến cùng cực C. Là phong trào yêu nước của nhân dân Nam Bộ D. Là phong trào đấu tranh của công nhân Nam Kì Đáp án: Phong trào Hội kín ở Nam Kì thực chất là phong trào đấu tranh của nông dân - những người bị đè nén đến cùng cực đã vùng lên quyết liệt. Tuy nhiên, do thiếu sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp tiên tiến nên đã nhanh chóng thất bại. Đáp án cần chọn là: B Câu 8: Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX đặt ra yêu cầu gì đối với các nhà yêu nước Việt Nam? A. Tìm kiếm sự giúp đỡ của một lực lượng chính trị mới B. Đoàn kết các giai cấp trong xã hội để đấu tranh C. Tìm kiếm một con đường cứu nước mới phù hợp D. Tìm kiếm một cá nhân kiệt xuất cho lịch sử Đáp án: Sự thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX chứng tỏ xã hội Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối đấu tranh ⇒ đòi hỏi phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới phù hợp cho lịch sử dân tộc Đáp án cần chọn là: C Câu 9: Nguyên nhân chính khiến thực dân Pháp phải tăng cường chính sách khủng bố khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra? A. Để ngăn chặn nguy cơ cách mạng bùng nổ ở thuộc địa B. Để huy động tối đa các nguồn lực của thuộc địa cho chính quốc C. Để ngăn chặn nguy cơ bị các nước đế quốc khác xâm chiếm thuộc địa D. Để đưa thuộc địa vào quỹ đạo của cuộc chiến tranh Đáp án: Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Nước Pháp là một bên tham chiến. Khi nước Pháp bận tham chiến, sự kiểm soát của chính quốc đối với thuộc địa sẽ bị hạn chế, tạo cơ hội cho các thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập. Do đó ngay khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra thực dân Pháp phải tăng cường chính sách khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh để ngăn chặn nguy cơ cách mạng bùng nổ ở thuộc địa Đáp án cần chọn là: A Câu 10: Sự thất bại của các phong trào đấu tranh đầu thế kỉ XX đã để lại bài học kinh nghiệm cơ bản gì cho các cuộc đấu tranh ở giai đoạn sau? A. Phải có sự liên minh giữa giai cấp nông dân với công nhân. B. Phải có sự lãnh đạo của một giai cấp tiến tiến cách mạng. C. Phải tiến hành đoàn kết quốc tế. D. Phải đấu tranh vũ trang để giành chính quyền. Đáp án: Nguyên nhân cơ bản nhất làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân ta đến năm 1918 cuối cùng đều bị thất bại là do thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Hạn chế này kéo theo những hạn chế về nhiệm vụ, lực lượng, phương pháp đấu tranh…⇒ Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất được rút ra là phải có sự lãnh đạo của một giai cấp tiến tiến cách mạng Đáp án cần chọn là: BC. SỰ XUẤT HIỆN KHUYNH HƯỚNG CỨU NƯỚC MỚI
Câu 1: Hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) là A. Đấu tranh chính trị B. Đấu tranh kinh tế C. Đấu tranh kinh tế kết hợp với bạo động D. Bạo động vũ trang Đáp án: Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất công nhân Việt Nam đã kết hợp đấu tranh đồi quyền lợi kinh tế với bạo động vũ trang. Đáp án cần chọn là: C Câu 2: Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất đã phản ánh điều gì? A. Đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân B. Thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức kỉ luật của giai cấp công nhân C. Là nguyên nhân thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. D. Khẳng định vị trí, vai trò của công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Đáp án: Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, ý thức kỉ luật của giai cấp công nhân. Tuy nhiên phong trào còn mang tính tự phát Đáp án cần chọn là: B Câu 3: Ngày 5-6-1911 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng? A. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước B. Việt Nam Quang phục hội được thành lập C. Phong trào kháng thuế ở Trung Kì bùng nổ D. Trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập Đáp án: Ngày 5-6-1911, tại bến cảng nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Việt Nam, ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu La-tu-sơ-Tơ-rê-vin Đáp án cần chọn là: A Câu 4: Điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là quốc gia nào? A. Pháp B. Trung Quốc C. Nhật Bản D. Liên Xô Đáp án: Điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là Pháp. Đáp án cần chọn là: A Câu 5: Vì sao năm 1911, Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước? A. Thực dân Pháp đặt xong ách thống trị trên đất nước Việt Nam B. Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ C. Tư tưởng cứu nước mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản ảnh hưởng sâu rộng đến nước ta D. Yêu cầu tìm kiếm một con đường cứu nước mới cho dân tộc Đáp án: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trong hoàn cảnh: - Phong trào Cần Vương thất bại cũng đánh dấu sự thất bại của con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến. - Sự thất bại của phong trào đấu tranh của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đánh dấu khuynh hướng dân chủ tư sản chưa thực sự xâm nhập sâu vào nước ta và chưa thể hiện được điểm ưu thế hay phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. ⇒ Con đường cứu nước giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc, chưa có lối thoát. Yêu cầu đặt ra phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới Đáp án cần chọn là: D Câu 6: Đâu không phải nguyên nhân Nguyễn Tất Thành chọn Pháp làm điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước? A. Muốn đánh đuổi kẻ thù phải hiểu rõ kẻ thù đó B. Nơi đặt trụ sở của Quốc tế Cộng sản – tổ chức ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc C. Để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào mình D. Tìm hiểu xem điều gì ẩn sau “tự do- bình đẳng- bác ái” Đáp án: Sở dĩ Nguyễn Tất Thành chọn Pháp làm điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của mình là do - Người sớm dược tiếp xúc với văn minh Pháp với khẩu hiểu “tự do- bình đẳng- bác ái” nên người muốn tìm hiểu xem điều gì ẩn náy đằng sau những từ ấy - Pháp là một nước hùng mạnh nên Người muốn đến Pháp để tìm hiểu xem nước Pháp làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình. - Pháp là kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam. Muốn đánh đuổi kẻ thù phải hiểu rõ kẻ thù đó Đáp án cần chọn là: B Câu 7: Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành rút ra được là A. Cần phải đoàn kết các lực lượng dân tộc để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược B. Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu người lao động cũng bị áp bức bóc lột dã man C. Cần phải đoàn kết với các dân tộc bị áp bức để đấu tranh giành độc lập D. Cần phải đoàn kết với nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh giành độc lập Đáp án: Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành rút ra được là ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu người lao động cũng bị áp bức bóc lột dã man. Dù màu da có khác nhau trên đời này cũng chỉ có hai giống người là giống người bóc lột và giống người bị bóc lột và chỉ có một mối hữu ái là thật mà thôi- hữu ái vô sản Đáp án cần chọn là: B Câu 8: Những hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành trong giai đoạn 1911-1918 có ý nghĩa như thế nào? A. Là cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga B. Làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng của những sĩ phu tiến bộ. C. Tuyên truyền và khích lệ tinh thần yêu nước của Việt kiều ở Pháp D. Là cơ sở quan trọng để Người đến được với chủ nghĩa Mác- Lênin, xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Đáp án: Những hoạt động yêu nước của Nguyễn Tât Thành trong những năm 1911-1918 tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đúng hướng. Nó là cơ sở quan trọng để sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Người đến được với chủ nghĩa Mác- Lênin, xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đáp án cần chọn là: D Câu 9: Điểm khác biệt giữa hướng đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc so với Phan Bội Châu là A. đi sang phương Tây tìm đường cứu nước. B. đi sang châu Mĩ tìm đường cứu nước. C. đi sang châu Phi tìm đường cứu nước. D. đi sang phương Đông tìm đường cứu nước. Đáp án: Ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc đã hướng sang phương Tây để tìm kiếm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Còn Phan Bội Châu lại hướng sang phương Đông với tấm gương Nhật Bản- một nước đồng chủ, đồng văn với Việt Nam để cầu viện. Đáp án cần chọn là: A Câu 10: Cách thức tìm kiếm con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có điểm gì tiến bộ so với các bậc tiền bối? A. Trải qua quá trình lao động để tiếp thu chân lý B. Khảo sát trên một phạm vi rộng C. Khảo sát trên phạm vi rộng và lao động thực thế để tiếp cận chân lý D. Học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến Đáp án: Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911-1920 diễn ra trên phạm vi rộng lớn. Người đã đi khắp các châu lục, dừng lại nghiên cứu khá lâu ở ba nước đế quốc lớn là Mĩ, Anh, Pháp. Đặc biệt ngay từ đầu quá trình đó đã được gắn với hoạt động lao động. Đây là cơ sở quan trọng để Nguyễn Ái Quốc rút ra cho mình được những kết luận đúng đắn về các cuộc cách mạng tư sản và cách mạng tháng Mười Nga (1917). Đáp án cần chọn là: C Câu 11: “Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” là nhận xét của Nguyễn Tất Thành về hoạt động yêu nước của ai A. Phan Bội Châu B. Phan Châu Trinh C. Huỳnh Thúc Kháng D. Lương Văn Can Đáp án: Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành cách làm của họ. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật để chống Pháp chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” vì bản chất của cả Pháp và Nhật đều là đế quốc Đáp án cần chọn là: A Câu 12: Yếu tố nào giữ vai trò quyết định đến việc tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành? A. Do mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai B. Phong trào cách mạng thế giới diễn ra mạnh mẽ cổ vũ cách mạng Việt Nam C. Do tinh thần yêu nước thương dân, ý chí đánh đuổi giặc Pháp của Nguyễn Tất Thành D. Những hoạt động yêu nước của các vị tiền bối diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại Đáp án: Nguyễn Tất Thành từ sớm đã có chí “đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào” - Tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường của họ, nên quyết định tìm con đường cứu nước mới. - Được tiếp xúc với văn minh Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc. - Trong tình cảnh Việt Nam đang khủng hoảng về con đường cứu nước. Con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến đã lỗi thời; con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản lại vừa thất bại với phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX. Một đòi hỏi tất yếu là phải tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc. Tìm đường cứu nước là trăn trở to lớn nhất, tìm được con đường cứu nước sẽ mở ra con đường giải phóng dân tộc, giải quyết mâu thuẫn dân tộc đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết. ⇒ Trong bối cảnh lịch sử đó, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước và ý chí đánh đuổi giặc Pháp của Nguyễn Tất Thành là yếu tố đóng vai trò quyết định đến việc tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Đáp án cần chọn là: C Câu 13: Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 đến năm 1918 đóng vai trò như thế nào trong việc xác định con đường cứu nước đúng đắn của dân tộc Việt Nam? A. Là định hướng cơ bản. B. Chỉ là một trong nhiều nhân tố. C. Đây là giai đoạn quyết định. D. Là cơ sở quan trọng. Đáp án: Những hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 đến năm 1918 tuy mới chỉ là bước đầu nhưng là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đáp án cần chọn là: DCác bài viết liên quan
Các bài viết được xem nhiều nhất
5 tác phẩm trọng tâm ôn thi THPT Quốc gia 2024 môn Ngữ Văn khả năng...
24623 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Giáo dục công dân và gợi...
603 View
Đáp án CHÍNH THỨC đề thi tốt nghiệp THPT 2023 từ Bộ GD&ĐT (Tất cả...
562 View
Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Địa lí và gợi ý giải...
538 View